09:50 - 16/01/2025

Chạy xe không chính chủ có bị phạt không 2025? Khi nào bị phạt lỗi không chính chủ?

Chạy xe không chính chủ có bị phạt không 2025? Khi nào bị phạt lỗi không chính chủ? Hành vi vi phạm chạy xe không chính chủ bị phạt bao nhiêu tiền?

Nội dung chính

Chạy xe không chính chủ có bị phạt không 2025? Khi nào bị phạt lỗi không chính chủ?

(1) Chạy xe không chính chủ có bị phạt không 2025?

Căn cứ điểm a khoản 3, điểm h khoản 7 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có thể hiểu lỗi xe không chính chủ người dân thường gọi là hành vi không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định.

Như vậy, người dân sẽ bị phạt lỗi chạy xe không chính chủ từ năm 2025 khi thực hiện các giao dịch như mua bán xe, tặng cho xe, thừa kế xe mà không làm thủ tục để đổi tên chủ xe trên cà vẹt xe.

(2) Khi nào bị phạt lỗi không chính chủ?

Căn cứ khoản 10 Điều 47 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Thủ tục xử phạt, nguyên tắc xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ
...
10. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm h khoản 7 Điều 32 của Nghị định này được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe; qua công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
...

Như vậy, việc xác minh và xử phạt hành vi vi phạm chạy xe không chính chủ được thực hiện qua:

- Công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;

- Công tác đăng ký xe;

- Công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.

Theo đó, cảnh sát giao thông khi dừng xe người dân để xử phạt hoặc kiểm tra giấy tờ thì cảnh sát giao thông sẽ không kiểm tra lỗi xe không chính chủ.

Chạy xe không chính chủ có bị phạt không 2025? Khi nào bị phạt lỗi không chính chủ?

Chạy xe không chính chủ có bị phạt không 2025? Khi nào bị phạt lỗi không chính chủ? (Hình từ Internet)

Hành vi vi phạm chạy xe không chính chủ bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ khoản 3 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
...
3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định;
b) Không làm thủ tục đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định;
c) Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
...

Như vậy, hành vi vi phạm chạy xe không chính chủ trong trường hợp không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe khi thay đổi chủ xe theo quy định có thể bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy.

Nhà nước có mấy chính sách về trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

Căn cứ Điều 4 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:

Chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ.
2. Hiện đại hoá các trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan.
3. Tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị giám sát phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với quy định của pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
4. Bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ; xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương, bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
6. Phát triển phương tiện giao thông đường bộ đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông đường bộ bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ đối với phương tiện giao thông trên thế giới; ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn; ưu tiên chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, hạ tầng cung cấp năng lượng sạch.

Như vậy, Nhà nước có 06 chính sách về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cụ thể theo quy định trên.

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Xuân An Giang
saved-content
unsaved-content
125