Chiếm đất chưa sử dụng tại nông thôn thì có bị xử phạt hành chính hay không? Nếu có thì mức phạt là bao nhiêu?
Nội dung chính
Chiếm đất là gì?
Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:
Giải thích từ ngữ:
...
2.Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
c) Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
...
Qua đó, chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không được sự cho phép Cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai nhưng vẫn tự ý sử dụng đất;
- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không nhận được sự cho phép của tổ chức, cá nhân đó;
- Không được gia hạn sử dụng sau khi đã hết thời hạn sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê, trừ trường hợp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp;
- Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Còn theo quy định hiện nay tại khoản 9 Điều 3 Luật Đất Đai 2024 thì chiếm đất là việc sử dụng đất do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.
Chiếm đất chưa sử dụng tại nông thôn thì có bị xử phạt hành chính hay không? (Hình từ internet)
Chiếm đất chưa sử dụng ở nông thôn thì có bị xử phạt hành chính hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta đến dưới 02 héc ta;
- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 02 héc ta trở lên.
Bên cạnh đó, trường hợp hành vi chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt sẽ gấp 02 lần mức xử phạt nêu trên.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần cá nhân.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với các hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều này là hành vi đã kết thúc thì thời điểm để tính thời hiệu xử phạt là thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này là hành vi đang thực hiện thì thời điểm để tính thời hiệu xử phạt là thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
3. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được xác định như sau:
a) Đối với các hành vi quy định tại các Điều 17, 18, 19, 20, 21, 22 và 23 Nghị định này thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là thời điểm mà các bên liên quan đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc văn bản giao dịch đã ký kết;
b) Đối với các hành vi quy định tại các Điều 14, 24, 26 và 27 Nghị định này thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là thời điểm đã thực hiện xong các hoạt động của hành vi vi phạm đó;
c) Đối với các hành vi quy định tại Điều 28 Nghị định này thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là thời điểm đã thực hiện xong việc cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu không chính xác hoặc hết thời hạn theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, kiểm tra mà không cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.
4. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm.