Loading


Chồng bị tuyên bố là đã chết mà không có di chúc, vợ có được bán đất thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng không?

Khi nào một người bị tuyên bố là đã chết? Nếu chồng bị tuyên bố là đã chết mà không có di chúc, vợ có được bán đất thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng không?

Nội dung chính

    Khi nào người chồng bị tuyên bố là đã chết?

    Tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, người chồng bị tuyên bố là đã chết khi rơi vào các trường hợp sau:

    - Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

    - Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

    - Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

    - Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

    Theo đó, nếu rơi vào các trường hợp nêu trên, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người chồng đã chết. Quyết định này phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

    Chồng bị tuyên bố là đã chết mà không có di chúc, vợ có được bán đất thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng không? (Hình từ Internet)

    Xử lý tài sản của người chồng bị tuyên bố là đã chết như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015, quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

    Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 thì có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Việc xử lý tài sản của người bị tuyên bố là đã chết tùy vào từng trường hợp cụ thể như sau:

    Thứ nhất, thừa kế theo di chúc

    Nếu người bị tuyên bố là đã chết có để lại di chúc hợp pháp thì việc xử lý tài sản của người này sẽ được thực hiện theo di chúc. Tuy nhiên, pháp luật quy định một số trường hợp đặc biệt tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, theo quy định này, những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật, nếu họ không được để lại tài sản trong di chúc hoặc được hưởng ít hơn mức này. Những trường hợp này bao gồm:

    - Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ hoặc chồng của người lập di chúc;

    - Con thành niên không có khả năng lao động.

    Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản (Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015) hoặc họ không có quyền hưởng di sản (khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015).

    Thứ hai, thừa kế theo pháp luật

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

    - Người bị tuyên bố là đã chết không để lại di chúc (không có di chúc)

    - Di chúc do người bị tuyên bố là đã chết lập là di chúc không hợp pháp;

    - Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

    - Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    - Đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

    - Đối với phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

    - Đối với phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    Bên cạnh đó, căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị tuyên bố là đã chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người bị tuyên bố là đã chết; cháu ruột của người bị tuyên bố là đã chết mà người bị tuyên bố là đã chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người bị tuyên bố là đã chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người bị tuyên bố là đã chết; cháu ruột của người bị tuyên bố là đã chết mà người bị tuyên bố là đã chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người bị tuyên bố là đã chết mà người bị tuyên bố là đã chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Việc chia tài sản thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết theo pháp luật như sau:

    - Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

    - Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

    Chồng bị tuyên bố là đã chết mà không có di chúc, vợ có được bán đất thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

    Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

    Theo đó, khi người chồng bị tuyên bố là đã chết, quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng sẽ được xác định và phân chia như sau: Một nửa giá trị quyền sử dụng đất mặc nhiên thuộc quyền sở hữu của người vợ (trừ trường hợp vợ chồng đã có thỏa thuận về chế độ tài sản), người vợ hoàn toàn có quyền tự quyết bán phần quyền sử dụng đất này không cần sự đồng ý từ bất kỳ ai.

    Phần giá trị còn lại, tương ứng với một nửa quyền sử dụng đất, được xác định là di sản thừa kế của người chồng. Trong trường hợp người chồng bị tuyên bố là đã chết mà không để lại di chúc, phần di sản này sẽ được phân chia theo quy định pháp luật về thừa kế không di chúc. Việc phân chia tài sản sẽ được thực hiện theo trình tự và nguyên tắc xử lý tài sản của người bị tuyên bố đã chết, như đã được phân tích ở phần nội dung trước. Theo đó, phần quyền sử dụng đất trong trường hợp này sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị tuyên bố là đã chết nếu họ còn sống). Vì vậy, người vợ không có quyền định đoạt với một nửa quyền sử dụng đất còn lại vì quyền sử dụng đất này thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế.

    Như vậy, chồng bị tuyên bố là đã chết mà không có di chúc, vợ chỉ được bán ½ quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình sau phân chia. Còn một nửa còn lại người vợ không được phép bán vì đây là tài sản thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế.

    saved-content
    unsaved-content
    65
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ