Có được đồng thời giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án và Uỷ ban nhân dân?

Có được đồng thời giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án và Uỷ ban nhân dân?

Nội dung chính

    Có được đồng thời giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án và Uỷ ban nhân dân?

    Khoản 1 và khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
    1. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
    2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
    a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
    b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
    ...

    Căn cứ quy định này, có thể hiểu:

    - Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết duy nhất là Tòa án.

    - Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu về quyền sử dụng đất thì các bên có quyền lựa chọn một trong hai cơ quan giải quyết tranh chấp là Uỷ ban nhân dân hoặc Tòa án có thẩm quyền.

    Như vậy, không được đồng thời giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án và Uỷ ban nhân dân.

    Có được đồng thời giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án và Uỷ ban nhân dân?

    Có được đồng thời giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án và Uỷ ban nhân dân? (Hình từ Internet)

    Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024, quy trình giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân được thực hiện như sau:

    (1) Đối với tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau:

    - Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực thi hành.

    - Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

    (2) Đối với tranh chấp có một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài:

    - Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

    - Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực thi hành.

    Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân là thủ tục hành chính về đất đai?

    Khoản 1 Điều 223 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Các thủ tục hành chính về đất đai
    1. Các thủ tục hành chính về đất đai bao gồm:
    a) Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất;
    b) Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất;
    c) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thủ tục đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp;
    d) Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất;
    đ) Thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất;
    e) Thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;
    g) Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính;
    h) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
    i) Thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai;
    k) Thủ tục hành chính khác về đất đai.
    ...

    Căn cứ quy định trên, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân là thủ tục hành chính về đất đai.

    saved-content
    unsaved-content
    67
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT