Loading


Có được phép bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc tại cơ sở trợ giúp xã hội cho người khuyết tật không?

Có được bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc tại cơ sở trợ giúp xã hội cho người khuyết tật không? Phó Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội cho người khuyết tật thuộc nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ gì?

Nội dung chính

    Có được phép bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc tại cơ sở trợ giúp xã hội cho người khuyết tật không?

    Căn cứ Điều 5 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH quy định định mức nhân viên tại cơ sở trợ giúp xã hội như sau:

     Định mức nhân viên tại cơ sở trợ giúp xã hội

    1. Giám đốc: Mỗi cơ sở trợ giúp xã hội có 01 Giám đốc.

    2. Phó Giám đốc: Mỗi cơ sở trợ giúp xã hội có không quá 02 Phó Giám đốc.

    3. Mỗi phòng nghiệp vụ gồm Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các nhân viên. Số lượng nhân viên của mỗi phòng nghiệp vụ được xác định theo vị trí công tác và khối lượng công việc thực tế phải đảm nhiệm.

    4. Mỗi khoa gồm Trưởng khoa, không quá 02 Phó Trưởng khoa và các nhân viên. Số lượng nhân viên của mỗi khoa được xác định theo vị trí công tác và khối lượng công việc thực tế phải đảm nhiệm.

    5. Nhân viên công tác xã hội: 01 nhân viên công tác xã hội quản lý trường hợp tối đa 100 đối tượng.

    6. Nhân viên tâm lý: Mỗi cơ sở có ít nhất 01 nhân viên tâm lý.

    7. Nhân viên chăm sóc trực tiếp đối tượng tại cơ sở:

    a) Nhân viên chăm sóc trẻ em: 01 nhân viên chăm sóc phụ trách 01 trẻ em dưới 18 tháng tuổi, tối đa 06 trẻ em bình thường từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi hoặc tối đa 10 trẻ em bình thường từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi; chăm sóc tối đa 04 trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 18 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi; chăm sóc tối đa 05 trẻ em khuyết tật hoặc tâm thần hoặc nhiễm HIV/AIDS từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi.

    b) Nhân viên chăm sóc người khuyết tật: 01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 10 người khuyết tật còn tự phục vụ được hoặc tối đa 04 người khuyết tật không tự phục vụ được.

    c) Nhân viên chăm sóc người cao tuổi: 01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 10 người cao tuổi còn tự phục vụ được hoặc tối đa 04 người cao tuổi không tự phục vụ được.

    d) Nhân viên chăm sóc người tâm thần: 01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 02 người tâm thần đặc biệt nặng, tối đa 04 người tâm thần nặng hoặc tối đa 10 người tâm thần đã phục hồi, ổn định.

    đ) Nhân viên chăm sóc người lang thang: 01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 12 người lang thang (định mức này sử dụng cho các đợt tiếp nhận người lang thang vào cơ sở để đánh giá, đưa về địa phương).

    8. Nhân viên y tế: 01 nhân viên y tế phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho tối đa 50 đối tượng.

    9. Nhân viên phụ trách dinh dưỡng: 01 nhân viên phục vụ tối đa 20 đối tượng.

    10. Nhân viên phục hồi chức năng: 01 nhân viên hướng dẫn phục hồi chức năng cho tối đa 05 đối tượng.

    11. Giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề: 01 giáo viên phụ trách dạy văn hóa, dạy nghề cho tối đa 09 đối tượng.

    12. Vị trí việc làm gián tiếp tối đa không quá 20% tổng số nhân lực cơ sở trợ giúp xã hội, gồm: Kế toán, hành chính - tổng hợp, quản trị, thủ quỹ, văn thư, lái xe, bảo vệ.

    Như vậy, định mức Phó Giám đốc tại cơ sở trợ giúp xã hội là không quá 02 Phó Giám đốc. Cơ sở trợ giúp xã hội của anh/chị đã có 1 Phó Giám đốc thì vẫn có thể bổ nhiệm thêm 1 Phó Giám đốc theo quy định.

    Có được phép bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc tại cơ sở trợ giúp xã hội cho người khuyết tật không? (Hình ảnh từ internet)

    Phó Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội cho người khuyết tật thuộc nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ gì?

    Theo Điều 4 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH quy định vị trí việc làm như sau:

     Vị trí việc làm

    Vị trí việc làm tại cơ sở trợ giúp xã hội gồm:

    1. Nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ quản lý, điều hành:

    a) Giám đốc;

    b) Phó Giám đốc;

    c) Trưởng phòng;

    d) Phó Trưởng phòng;

    đ) Trưởng khoa;

    e) Phó Trưởng khoa.

    2. Nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ chăm sóc, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội:

    a) Công tác xã hội;

    b) Tâm lý;

    c) Chăm sóc trực tiếp đối tượng;

    d) Y tế, điều dưỡng;

    đ) Chăm sóc dinh dưỡng;

    e) Phục hồi chức năng;

    g) Dạy văn hóa;

    h) Dạy nghề;

    i) Vị trí việc làm khác theo quy định của pháp luật.

    3. Nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ:

    a) Kế toán;

    b) Hành chính - Tổng hợp;

    c) Quản trị;

    d) Thủ quỹ;

    đ) Văn thư;

    e) Lái xe;

    g) Bảo vệ;

    h) Các vị trí việc làm khác theo quy định của pháp luật.

    4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cơ sở trợ giúp xã hội công lập quyết định vị trí việc làm, ghép vị trí việc làm hoặc bổ sung danh sách vị trí việc làm mới theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

    5. Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập quyết định vị trí việc làm, người làm việc của cơ sở cho phù hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cơ sở.

    Theo đó, đối với Phó Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội sẽ thuộc nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ quản lý, điều hành.

    Cơ cấu tổ chức cơ sở trợ giúp xã hội ra sao?

    Tại Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH quy định cơ cấu tổ chức như sau:

    Cơ cấu tổ chức

    1. Lãnh đạo cơ sở trợ giúp xã hội gồm có Giám đốc và các Phó Giám đốc.

    2. Cơ cấu tổ chức

    Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cơ sở trợ giúp xã hội công lập căn cứ vào nhiệm vụ, quy mô, số lượng đối tượng phục vụ và số lượng công chức, viên chức và người lao động để quy định cơ cấu tổ chức thành các phòng, khoa hoặc bộ phận cho phù hợp, bảo đảm không làm tăng số phòng hiện có, không làm tăng số lượng người làm việc hiện có của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập trên địa bàn; đồng thời thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động theo quy định. Cơ cấu tổ chức của cơ sở trợ giúp xã hội công lập được xác định theo các nhóm công việc cơ bản sau:

    a) Hành chính - Tổng hợp;

    b) Công tác xã hội và phát triển cộng đồng;

    c) Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn;

    d) Y tế - Phục hồi chức năng;

    đ) Các phòng, khoa hoặc bộ phận có tên gọi khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

    3. Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập tham khảo quy định tại Khoản 2 Điều này để quyết định cơ cấu tổ chức cho phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.

    Như vậy, cơ cấu cơ sở trợ giúp xã hội được quy định như trên.

    saved-content
    unsaved-content
    28