Loading


Tiền đền bù, hỗ trợ doanh nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất có phải nộp thuế GTGT không?

Tiền đền bù, hỗ trợ doanh nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất có phải nộp thuế không? Tự nguyện trả lại đất có được bồi thường về tài sản trên đất không?

Nội dung chính

    Tiền đền bù, hỗ trợ doanh nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất có phải nộp thuế GTGT không?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định như sau:

    Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
    1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
    Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
    Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.
    Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

    Theo như quy định trên thì tiền đền bù, hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận khi bị Nhà nước thu hồi đất (bao gồm tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất) không phải kê khai, tính và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT). Do đó, doanh nghiệp không cần phải nộp thuế GTGT đối với khoản tiền đền bù, hỗ trợ nhận được.

    Tiền đền bù, hỗ trợ doanh nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất có phải nộp thuế GTGT không?

    Tiền đền bù, hỗ trợ doanh nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất có phải nộp thuế GTGT không? (Hình ảnh từ Internet)

    Cách xử lý tiền chênh lệch giữa bồi thường đất đai và tiền sử dụng đất khi có sự chênh lệch giá trị ra sao?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 88/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1 Điều 96, khoản 1 Điều 98, khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai
    ...
    2. Người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở mà có chênh lệch giá trị giữa tiền bồi thường, hỗ trợ về đất với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở thì xử lý như sau:
    a) Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi được nhận phần chênh lệch;
    b) Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi phải nộp phần chênh lệch.
    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi quy định tại Điều này.

    Theo như quy định thì, khi bồi thường bằng đất hoặc nhà ở có chênh lệch giá trị với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hoặc tiền mua nhà ở, cách xử lý tiền chênh lệch như sau:

    - Nếu tiền bồi thường lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc tiền mua nhà ở, người có đất thu hồi sẽ nhận phần chênh lệch.

    - Nếu tiền bồi thường nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc tiền mua nhà ở, người có đất thu hồi phải nộp phần chênh lệch.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định tỷ lệ quy đổi và điều kiện bồi thường cụ thể theo tình hình thực tế tại địa phương.

    Tự nguyện trả lại đất có được bồi thường về tài sản trên đất không?

    Theo khoản 4 Điều 35 Nghị định 102/2024/NĐ-CP có quy định như sau:

    Xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất tại các điểm a, d và đ khoản 1 và khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai
    ...
    4. Đối với trường hợp người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất chỉ xem xét trả lại giá trị tài sản gắn liền với đất nếu xét thấy việc thu hồi đất là cần thiết, không gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, trật tự công cộng và người sử dụng đất có đơn đề nghị được Nhà nước trả lại giá trị tài sản gắn liền với đất. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản và hoàn trả cho người trả lại đất.

    Theo đó, trường hợp người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất thì UBND có thẩm quyền sẽ xem xét hoàn trả giá trị tài sản trên đất nếu việc thu hồi đất đáp ứng 02 điều kiện:

    - Thứ nhất, việc thu hồi đất là cần thiết;

    - Thứ hai, việc thu hồi đất không gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, trật tự công cộng.

    Theo đó, người sử dụng đất phải có đơn đề nghị được Nhà nước trả lại giá trị tài sản gắn liền với đất.

    Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản và hoàn trả cho người trả lại đất.

    saved-content
    unsaved-content
    44