Loading


Có được xây mộ trên đất trồng lúa khi gia đình có người mất không?

Có được xây mộ trên đất trồng lúa khi gia đình có người mất không? Nếu không thì xây mộ trên đất trồng lúa bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

     

    Có được xây mộ trên đất trồng lúa khi gia đình có người mất không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định đất trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp. Trong khi đó, đất nghĩa trang - nơi được sử dụng để xây mộ - thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, theo điểm h khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024.

    Khoản 1 Điều 5 Luật Đất đai 2024 quy định, đất phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Điều này có nghĩa là đất trồng lúa chỉ được sử dụng để trồng lúa hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép, không được phép sử dụng để xây dựng các công trình phi nông nghiệp, bao gồm cả việc xây mộ.

    Để có thể xây mộ trên đất trồng lúa, người sử dụng đất bắt buộc phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Theo điểm b khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024, việc chuyển đổi này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

    Ngoài ra, liên quan tới việc sử dụng đất để xây mộ thì Điều 3 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc mai táng phải được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp mai táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 214 Luật Đất đai 2024 cũng nêu rõ đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất. Đồng thời, nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu giữ tro cốt trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    Như vậy, nếu xây mộ trên đất trồng lúa mà không chuyển mục đích sử dụng đất, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được xem là hành vi vi phạm pháp luật và không được phép thực hiện.

    Có được xây mộ trên đất trồng lúa khi gia đình có người mất không?

    Có được xây mộ trên đất trồng lúa khi gia đình có người mất không? (Hình từ Internet)

    Xây mộ trên đất trồng lúa bị xử phạt như thế nào?

    Theo phân tích ở trên, để xây mộ trên đất trồng lúa, bắt buộc phải hoàn tất thủ tục xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Nếu việc xây mộ được thực hiện mà không có sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền, hành vi này sẽ bị coi là sử dụng đất sai mục đích, cụ thể là chuyển đổi đất trồng lúa sang loại đất khác trái phép. Theo khoản 2 và khoản 4 Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định như sau:

    STT

    Diện tích đất xây nhà trên đất nông nghiệp trái phép

    Mức phạt

    Thuộc địa giới hành chính của xã

    Thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn

    Xây mộ trên đất trồng lúa  (khoản 2 và khoản 4 Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)

    1

    Dưới 0,05 héc ta 

    Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

    Mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt quy định đối với khu vực thuộc địa giới hành chính của xã.

    2

    Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta

    Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

    3

    Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta

    Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

    4

    Từ  0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta

    Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng 

    5

    Từ 01 héc ta đến dưới 02 héc ta

    Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

    6

    Từ trên 02 héc ta trở lên

    Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng

    Bên cạnh đó, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

    Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trừ trường hợp đặc biệt là sử dụng đất trồng lúa không đúng mục đích trước ngày 01/07/2014 nhưng đang sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch cấp huyện, quy hoạch chung, phân khu, xây dựng hoặc nông thôn, thì người sử dụng đất có thể được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà không bị yêu cầu phá dỡ công trình đã xây dựng sai mục đích theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024.

    * Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất xây mộ được thực hiện như thế nào?

    Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất xây mộ (chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp) được thực hiện như sau (Căn cứ Điều 44 Nghị định 102/2024/NĐ-CP).

    Bước 1: Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    Tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định người xin chuyển mục đích sử dụng đất làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 02c tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP nộp cho Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

    Bước 2: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai giao Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai, lập trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

    Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì hướng dẫn người sử dụng đất làm lại hồ sơ hoặc bổ sung hồ sơ và nộp lại cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.

    Bước 3: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    Bước 4: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    Bước 5: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai chuyển thông tin địa chính thửa đất theo Mẫu số 04h tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP cho cơ quan thuế.

    Cơ quan thuế xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định, ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gửi cho người sử dụng đất.

    Bước 6: Người sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

    Bước 7: Cơ quan thuế xác nhận hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và gửi thông báo kết quả cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai.

    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cấp có thẩm quyền ký cấp Giấy chứng nhận và thực hiện chuyển hồ sơ đến tổ chức đăng ký đất đai hoặc chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

    Bước 8: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

    saved-content
    unsaved-content
    53
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ