Loading


Đất tín ngưỡng là gì? Có thể khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng hay không?

Đất tín ngưỡng là gì? Có thể khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng hay không? Khi khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng phải đảm bảo điều kiện gì?

Nội dung chính

    Đất tín ngưỡng là gì? Có thể khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng hay không?

    Căn cứ vào điểm g khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 về phân loại đất:

    Phân loại đất
    ...
    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    ...
    g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
    ...

    Thêm vào đó, tại Điều 212 Luật Đất đai 2024 quy định về đất tín ngưỡng như sau:

    Đất tín ngưỡng
    1. Đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng bao gồm đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ; chùa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 213 của Luật này; các công trình tín ngưỡng khác.
    2. Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
    3. Việc sử dụng đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại, dịch vụ phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 218 của Luật này.

    Như vậy, đất tín ngưỡng là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, sử dụng cho mục đích tín ngưỡng và dùng để xây dựng các công trình như đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ, chùa (nhưng không thuộc vào đất tôn giáo), các công trình tín ngưỡng khác.

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích như sau:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:
    a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;
    b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;
    đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này;
    e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.
    ...

    Theo đó, pháp luật cho phép đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ. Nói cách khác, có thể khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng.

    Đất tín ngưỡng là gì? Có thể khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng hay không?

    Đất tín ngưỡng là gì? Có thể khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng hay không? (Hình từ Internet)

    Khi khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng phải đảm bảo điều kiện gì?

    Căn cứ vào khoản 2 Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích như sau:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    ...
    2. Việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
    a) Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 của Luật này;
    b) Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính;
    c) Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
    d) Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường;
    đ) Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;
    e) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định;
    g) Tuân thủ pháp luật có liên quan.
    ...

    Như vậy, khi khai thác thương mại đối với đất tín ngưỡng phải đảm bảo điều kiện sau:

    - Không làm thay đổi loại đất và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2024;

    - Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính.

    - Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

    - Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường.

    - Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề.

    - Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

    - Tuân thủ pháp luật có liên quan.

    Thời hạn sử dụng đất tín ngưỡng là bao lâu?

    Căn cứ vào Điều 171 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Đất sử dụng ổn định lâu dài
    1. Đất ở.
    2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này.
    3. Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý.
    4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
    5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này.
    6. Đất quốc phòng, an ninh.
    7. Đất tín ngưỡng.
    8. Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
    9. Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh.
    10. Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt.
    11. Đất quy định tại khoản 3 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.

    Như vậy, căn cứ từ quy định trên thì đất tín ngưỡng thuộc vào trường hợp được sử dụng ổn định lâu dài.

    saved-content
    unsaved-content
    94