Loading


Doanh nghiệp được đầu tư và phát triển nhà ở xã hội không?

Doanh nghiệp được đầu tư và phát triển nhà ở xã hội không? Xác định lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ra sao?

Nội dung chính

    Doanh nghiệp được đầu tư và phát triển nhà ở xã hội không?

    Căn cứ theo Điều 35 Luật Nhà ở 2023 quy định về chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở như sau:

    Chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở
    1. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
    a) Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
    b) Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn quy định tại khoản 5 Điều 112, khoản 1 Điều 113 của Luật này và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.
    2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Có vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản để thực hiện đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
    b) Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này hoặc được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai;
    c) Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Luật Nhà ở 2023 quy định các loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở như sau:

    Các loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở và tiêu chuẩn diện tích nhà ở
    1. Các loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
    a) Phát triển nhà ở thương mại;
    b) Phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân;
    c) Phát triển nhà ở công vụ;
    d) Phát triển nhà ở phục vụ tái định cư;
    đ) Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

    e) Phát triển các loại nhà ở hỗn hợp quy định tại khoản này theo quy định của Luật này.

    ...

    Như vậy, doanh nghiệp được đầu tư và phát triển nhà ở xã hội nếu đảm bảo đáp ứng các điều kiện như sau:

    - Có vốn chủ sở hữu để thực hiện đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

    - Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

    - Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

    Doanh nghiệp được đầu tư và phát triển nhà ở xã hội không?

    Doanh nghiệp được đầu tư và phát triển nhà ở xã hội không? (Hình từ Internet)

    Xác định lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ra sao?

    Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được xác định như sau:

    (1) Lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 được xác định tối đa bằng 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.

    (2) Tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội bao gồm các chi phí đầu tư xây dựng của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (gồm: công trình nhà ở xã hội, công trình hoặc hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu có) trong dự án), lãi vay (nếu có) và các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp được phân bổ cho phần nhà ở xã hội, được xác định như sau:

    - Chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại thời điểm trình thẩm định, bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có), chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng;

    - Lãi vay (nếu có) không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng đã được xác định trong chi phí đầu tư xây dựng của dự án;

    - Các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi liên quan trực tiếp đến dự án được phân bổ cho phần diện tích nhà ở xã hội để bán và được xác định phù hợp với thời điểm trình thẩm định.

    + Tổng các chi phí hợp lý, hợp lệ được xác định bằng 2% chi phí đầu tư xây dựng phần nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định 100/2024/NĐ-CP; trường hợp không đủ thì chủ đầu tư lập dự toán đối với khoản mục chi phí này.

    (3) Chi phí đầu tư xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (sở hữu chung nếu có) cho cả dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 100/2024/NĐ-CP được phân bổ đều cho tổng diện tích đất ở và đất thương mại dịch vụ (nếu có) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

    (4) Chi phí đầu tư xây dựng đối với công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung cho cả dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 100/2024/NĐ-CP bao gồm:

    - Chi phí đầu tư hệ thống giao thông,

    - Hệ thống cung cấp năng lượng,

    - Hệ thống chiếu sáng công cộng,

    - Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước,

    - Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải,

    - Hệ thống quản lý chất thải rắn,

    - Hệ thống vệ sinh công cộng,

    - Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác thuộc phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    Như vậy, xác định lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện dựa theo quy định như trên.

    Việc cho thuê nhà ở xã hội thực hiện ra sao?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 quy định việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện như sau:

    (1) Việc cho thuê nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 88 Luật Nhà ở 2023;

    (2) Việc cho thuê nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023;

    (3) Không được ký hợp đồng thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.

    - Trường hợp nhà ở có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được ký hợp đồng đặt cọc và thu tiền đặt cọc thuê nhà ở tối đa bằng 12 tháng tiền thuê nhà tạm tính;

    + Việc ký hợp đồng đặt cọc thuê nhà ở phải bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở xã hội quy định Luật Nhà ở 2023;

    + Sau khi nhà ở có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được ký hợp đồng thuê nhà ở với người thuê.

    Như vậy, việc cho thuê nhà ở xã hội được thực hiện dựa theo quy định như trên.

    saved-content
    unsaved-content
    50