Đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa thì sẽ bị phạt tối đa là bao nhiêu tiền?

Đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa thì sẽ bị phạt tối đa là bao nhiêu tiền? Việc xác định diện tích lấn chiếm đất được thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    Đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa thì sẽ bị phạt tối đa là bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3, 6 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về mức phạt hành chính đối với hành vi chiếm đất trồng lúa như sau:

    Lấn đất hoặc chiếm đất
    3. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta trở lên.
    6. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Như vậy, đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt tối đa 200.000.000 đồng với diện tích lấn chiếm đất từ 01 héc ta trở lên

    Đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức phạt tối đa sẽ gấp 2 lần mức xử phạt thuộc địa giới hành chính của xã, tức sẽ bị phạt tối đa 400.000.000 đồng với diện tích lấn chiếm đất từ 01 héc ta trở lên.

    Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

    Đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa thì sẽ bị phạt tối đa là bao nhiêu tiền? Đối với hành vi lấn chiếm đất trồng lúa thì sẽ bị phạt tối đa là bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet) 

    Việc xác định diện tích lấn chiếm đất được thực hiện như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 45/2011/TT-BTNMT thì việc xác định diện tích lấn chiếm đất được thực hiện như sau:

    - Đối với thửa đất đã có bản đồ địa chính:

    + Nếu toàn bộ diện tích thửa đất là đất chiếm thì sẽ xác định diện tích theo bản đồ địa chính.

    + Nếu một phần diện tích là đất lấn và phạm vi đất lấn đã được thể hiện trên bản đồ, xác định diện tích lấn theo bản đồ đó.

    - Đối với thửa đất chưa có bản đồ địa chính nhưng đã thực hiện trích đo và kê khai:

    + Diện tích đất lấn, chiếm sẽ được xác định dựa trên kết quả trích đo và kê khai.

    Đối với thửa đất chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo:

    + Diện tích sẽ được xác định theo thực tế sử dụng tại thời điểm kê khai tính thuế. Người sử dụng đất tự xác định diện tích để kê khai và chịu trách nhiệm pháp lý về thông tin kê khai.

    Lấn chiếm đất để xây nhà ở sẽ bị tính thuế sử dụng đất như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 45/2011/TT-BTNMT về các trường hợp lấn chiếm đất sẽ bị tính thuế sử dụng đất như sau:

    Đất sử dụng không đúng mục đích; đất lấn, chiếm; đất chưa sử dụng theo đúng quy định
    3. Đất chiếm quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là đất đang sử dụng vào mục đích chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có nguồn gốc thuộc một trong các trường hợp sau:
    3.1. Đất chiếm là đất do người đang sử dụng đất tự bao chiếm đất của Nhà nước quản lý hoặc bao chiếm đất đã có chủ sử dụng hợp pháp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hay chủ sử dụng đất cho phép.
    3.2. Đất được cơ quan nhà nước tạm giao, giao có thời hạn, cho thuê hay được người sử dụng đất khác cho thuê, cho mượn để sử dụng, nhưng hết thời hạn tạm giao, thời hạn giao, thời hạn thuê, thời hạn mượn mà chưa làm thủ tục gia hạn và không trả lại đất.
    3.3. Đất mà Nhà nước đã có quyết định thu hồi và đã thanh toán xong tiền bồi thường và hỗ trợ theo quy định của pháp luật cho người bị thu hồi đất nhưng sau thời hạn bàn giao đất cho Nhà nước, người bị thu hồi đất vẫn đang tiếp tục sử dụng.
    3.4. Đất đang sử dụng do không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành.

    Theo đó, đất chiếm theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 là đất đang sử dụng vào mục đích chịu thuế, có nguồn gốc từ các trường hợp sau:

    - Người sử dụng tự bao chiếm đất của Nhà nước hoặc đất đã có chủ hợp pháp mà không được phép.

    - Đất tạm giao, giao có thời hạn hoặc cho thuê, nhưng hết thời hạn mà không gia hạn hoặc trả lại.

    - Đất đã bị Nhà nước thu hồi và đã bồi thường, nhưng người bị thu hồi vẫn tiếp tục sử dụng sau thời hạn bàn giao.

    - Đất đang sử dụng không chấp hành các quyết định của Toà án hoặc cơ quan thi hành án đã có hiệu lực.

    Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 về việc tính thuế sử dụng đất khi lấn chiếm đất để xây nhà ở như sau:

    Thuế suất
    7. Đất lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm.

    Như vậy, đất lấn, chiếm thuộc các trường hợp được đề cập ở trên sẽ áp dụng thuế suất 0,2% và không có hạn mức. Việc nộp thuế không công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích này.

    saved-content
    unsaved-content
    71
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT