Loading


Đứng tên tham gia thầu gói thầu thuộc dự án nơi đã từng làm có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Đứng tên tham gia thầu gói thầu thuộc dự án nơi mình đã từng làm có bị xử phạt không? Hành vi không công bằng, minh bạch trong đấu thầu thì có bị cấm đấu thầu không?

Nội dung chính

    Đứng tên tham gia thầu gói thầu thuộc dự án nơi mình đã từng công tác thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

    Theo khoản 5 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm các điều cấm trong đấu thầu như sau:

    Vi phạm các điều cấm trong đấu thầu
    Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự:
    1. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
    2. Thông thầu.
    3. Gian lận trong đấu thầu.
    4. Cản trở hoạt động đấu thầu.
    5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
    6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu.
    7. Chuyển nhượng thầu trái phép.

    Đồng thời, tại điểm e khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 có quy định hành vi đứng tên tham gia thầu gói thầu của dự án thuộc cơ quan hoặc tổ chức nơi đã từng công tác trong thời gian 12 tháng kể từ ngày không còn làm việc tại đó là không đảm bảo công bằng và minh bạch trong đấu thầu. Đây là hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Bên cạnh đó, theo Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

    Mức phạt tiền
    1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
    a) Trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng;
    b) Trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng;
    c) Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng;
    d) Trong lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.
    2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.

    Như vậy, hành vi đứng tên tham gia thầu gói thầu của dự án thuộc cơ quan hoặc tổ chức nơi đã từng công tác trong thời gian 12 tháng kể từ ngày không còn làm việc tại đó thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn nếu ngoài thời gian 12 tháng kể từ ngày không còn làm việc tại đó thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

    Nếu hành vi này do cá nhân thực hiện, mức phạt sẽ giảm còn từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, tương đương một nửa mức phạt áp dụng cho tổ chức.

    Đứng tên tham gia thầu gói thầu thuộc dự án nơi mình đã từng làm có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

     Đứng tên tham gia thầu gói thầu thuộc dự án nơi mình đã từng làm có bị xử phạt vi phạm hành chính không? (Hình từ internet)

    Không gửi biên bản mở thầu cho nhà thầu tham gia dự thầu thì bị phạt bao nhiêu?

    Theo điểm c khoản 2 Điều 34 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

    Vi phạm về tổ chức lựa chọn nhà thầu và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất
    ...
    2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Không thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu khi việc sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không đáp ứng thời gian quy định;
    b) Không đóng, mở thầu theo đúng thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu, thông báo mời thầu;
    c) Không gửi biên bản mở thầu cho nhà thầu tham gia dự thầu;
    d) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu không đầy đủ nội dung, không chính xác, không đúng thẩm quyền.
    ...

    Như vậy, nếu không gửi biên bản mở thầu cho các nhà thầu đã tham gia dự thầu, bên tổ chức đấu thầu sẽ bị phạt tiền. Mức phạt cho hành vi này dao động từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Việc không thực hiện nghĩa vụ này không chỉ vi phạm quy định về quản lý đấu thầu mà còn gây ảnh hưởng đến tính công bằng và minh bạch của quá trình đấu thầu. Do đó, việc gửi biên bản mở thầu cho các nhà thầu là rất quan trọng để đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều được thông tin đầy đủ và chính xác về diễn biến của cuộc đấu thầu.

    Hành vi không công bằng, minh bạch trong đấu thầu thì có bị cấm đấu thầu không?

    Theo điểm c khoản 1 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu như sau:

    Xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu
    1. Thời gian cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bao gồm cả cá nhân thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu:
    a) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các khoản 1, 2, 4 và điểm a khoản 3 Điều 16 của Luật Đấu thầu;
    b) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các hành vi vi phạm điểm b, điểm c khoản 3; khoản 5; điểm g, h, i, k, l khoản 6; khoản 8; khoản 9 Điều 16 của Luật Đấu thầu;
    c) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 6 và khoản 7 Điều 16 của Luật Đấu thầu;
    Đối với nhà thầu liên danh, việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu áp dụng với tất cả thành viên liên danh khi một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu, trừ trường hợp: thành viên liên danh vi phạm quy định tại điểm c khoản 3, khoản 4, các điểm b, c, d, đ khoản 5, các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 6, khoản 7, điểm a, điểm b khoản 8 Điều 16 của Luật Đấu thầu thì chỉ cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với thành viên đó mà không cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các thành viên còn lại.

    Như đã nêu phí trên, tại điểm e khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 có quy định hành vi đứng tên tham gia thầu gói thầu của dự án thuộc cơ quan hoặc tổ chức nơi đã từng công tác trong thời gian 12 tháng kể từ ngày không còn làm việc tại đó là không đảm bảo công bằng và minh bạch trong đấu thầu.

    Như vậy, nếu có hành vi không công bằng và không minh bạch trong đấu thầu, tổ chức hoặc cá nhân đó có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm. Điều này nhằm đảm bảo các quy trình đấu thầu diễn ra một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả, đồng thời duy trì sự tin cậy trong hệ thống đấu thầu.

    saved-content
    unsaved-content
    40