Loading


Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được cấp cho tổ chức tôn giáo không?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được cấp cho cơ sở tôn giáo không? Bao nhiêu tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Nội dung chính

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được cấp cho tổ chức tôn giáo không?

    Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Người sử dụng đất
    Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
    ...
    2. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;
    ...

    Đồng thời, Điều 26 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Quyền chung của người sử dụng đất
    1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
    2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp.
    3. Hưởng các lợi ích khi Nhà nước đầu tư để bảo vệ, cải tạo và phát triển đất nông nghiệp.
    4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, phục hồi đất nông nghiệp.
    5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
    6. Được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
    7. Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
    8. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

    Căn cứ quy định trên, tổ chức tôn giáo có quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được cấp cho tổ chức tôn giáo không?

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được cấp cho tổ chức tôn giáo không? (Hình từ Internet)

    Bao nhiêu tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

    Hiện nay, pháp luật về đất đai không có quy định về độ tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về vấn đề này, có thể căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Người chưa thành niên
    1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
    2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
    3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
    4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

    Đồng thời, Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Người thành niên
    1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
    2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

    Căn cứ các quy định trên, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên, những người này không được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký.

    Trong khi đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Như vậy, người từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, kể cả các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký.

    Vì vậy, không có giới hạn cho độ tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chỉ người từ đủ 18 tuổi trở lên đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được tự mình thực hiện các giao dịch về đất đai không cần thông qua người đại diện.

    Làm cách nào để hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực?

    Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
    ...
    3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
    a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
    b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
    c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
    d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

    Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
    ...
    2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

    Đồng thời, khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Hợp đồng vô hiệu
    1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
    ...

    Căn cứ các quy định trên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực sẽ bị vô hiệu (không có hiệu lực pháp luật).

    Tuy nhiên, khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
    Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
    ...
    2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

    Căn cứ quy định này, để hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực thì ít nhất một bên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện tối thiểu hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng và có yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.

    saved-content
    unsaved-content
    65