Loading


Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình là gì?

Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình được giải thích thế nào? Chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá như hợp đồng EC làm sao để áp dụng giá hợp đồng trọn gói?

Nội dung chính

    Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình là gì?

    Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về các loại hợp đồng xây dựng quy định như sau:

    Các loại hợp đồng xây dựng
    1. Theo tính chất, nội dung công việc hợp đồng xây dựng có các loại sau:
    ...
    d) Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh là Engineering - Construction viết tắt là EC) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình là hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
    ...

    Như vậy, hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình, viết tắt là hợp đồng EC (Engineering - Construction), là loại hợp đồng xây dựng được ký kết giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện toàn bộ công việc thiết kế và thi công xây dựng một công trình hoặc một hạng mục công trình.

    Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình là gì?

    Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình là gì? (Hình từ Internet)

    Trường hợp chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá như hợp đồng EC thì có thể áp dụng giá hợp đồng trọn gói?

    Căn cứ khoản 5 Điều 15 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP về giá hợp đồng xây dựng và điều kiện áp dụng quy định như sau:

    Giá hợp đồng xây dựng và điều kiện áp dụng
    ...
    5. Điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng xây dựng được quy định như sau:
    a) Đối với hợp đồng trọn gói:
    Giá hợp đồng trọn gói được áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng đã đủ điều kiện để xác định rõ về khối lượng và đơn giá để thực hiện các công việc theo đúng các yêu cầu của hợp đồng xây dựng hoặc trong một số trường hợp chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá (như: Hợp đồng EC, EP, PC, EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay) nhưng các bên tham gia hợp đồng có đủ năng lực kinh nghiệm để tính toán, xác định giá hợp đồng trọn gói.
    Khi áp dụng giá hợp đồng trọn gói thì giá gói thầu, giá hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro liên quan đến giá hợp đồng như rủi ro về khối lượng, trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng và mỗi bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình.
    ...

    Theo đó, trong trường hợp chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá như đối với hợp đồng EC (Engineering - Consulting), giá hợp đồng trọn gói vẫn có thể được áp dụng nếu các bên tham gia hợp đồng có đủ năng lực và kinh nghiệm để:

    - Tính toán và xác định khối lượng công việc dự kiến.

    - Ước tính đơn giá và chi phí thực hiện.

    - Dự phòng các yếu tố rủi ro.

    + Rủi ro về khối lượng.

    + Rủi ro về trượt giá.

    + Rủi ro không lường trước khác.

    - Thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng.

    Mức tạm ứng hợp đồng đối với hợp đồng EC thế nào?

    Căn cứ điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 9 Nghị định 35/2023/NĐ-CP về tạm ứng hợp đồng xây dựng quy định như sau:

    Tạm ứng hợp đồng xây dựng
    ...
    5. Mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Trường hợp cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép. Đối với dự án mà người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định mức tạm ứng cao hơn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; mức tạm ứng tối thiểu được quy định như sau:
    a) Đối với hợp đồng tư vấn:
    - 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng.
    - 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng.
    b) Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình:
    - 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng.
    - 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng.
    - 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
    c) Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC và EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: 10% giá hợp đồng.
    d) Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại Điểm a, b, c Khoản này, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.
    đ) Tiền tạm ứng được thu hồi dần qua các lần thanh toán, mức thu hồi của từng lần do hai bên thống nhất ghi trong hợp đồng nhưng phải bảo đảm tiền tạm ứng được thu hồi hết khi giá trị thanh toán đạt 80% giá hợp đồng đã ký kết.
    ...

    Như vậy, mức tạm ứng hợp đồng đối với hợp đồng EC (Engineering - Construction) được quy định cụ thể như sau:

    - Mức tạm ứng tối thiểu: 10% giá trị hợp đồng, áp dụng chung cho các hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác.

    - Mức tạm ứng tối đa:

    + Không vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả phần dự phòng nếu có).

    + Nếu cần tạm ứng cao hơn mức này, phải có sự chấp thuận của người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định mức tạm ứng cao hơn.

    - Điều kiện thu hồi tiền tạm ứng:

    + Tiền tạm ứng sẽ được thu hồi dần qua các lần thanh toán, theo mức do hai bên thống nhất và ghi trong hợp đồng.

    + Phải đảm bảo thu hồi toàn bộ tiền tạm ứng khi giá trị thanh toán đạt 80% giá trị hợp đồng đã ký kết.

    Lưu ý rằng, nếu các bên thỏa thuận mức tạm ứng cao hơn mức tối thiểu nêu trên, phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng vượt quá sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.

    saved-content
    unsaved-content
    67