Loading


Khi bảo trì chung cư, ai có trách nhiệm lập, quyết toán số liệu bàn giao kinh phí bảo trì?

Tài liệu quyết toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư bao gồm những gì? Ai có trách nhiệm lập, quyết toán số liệu bàn giao kinh phí bảo trì chung cư?

Nội dung chính

    Tài liệu quyết toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư bao gồm những gì?

    Tài liệu quyết toán số liệu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư được quy định tại khoản 2 Điều 39 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD bao gồm:

    - Biên bản kiểm đếm và bàn giao hồ sơ:

    + Biên bản kiểm đếm và nhận bàn giao hồ sơ nhà chung cư.

    + Biên bản xác định các phần diện tích và thiết bị thuộc sở hữu chung của tòa nhà theo quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật Nhà ở 2023

    - Biên bản xác định kinh phí bảo trì: Biên bản xác định tổng số kinh phí bảo trì đã thu theo quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó cần ghi rõ:

    + Số tiền đã thu từ người mua và thuê mua căn hộ.

    + Số tiền chủ đầu tư phải bàn giao.

    + Tên và số tài khoản, cùng nơi mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang quản lý.

    - Bảng kê công việc bảo trì:

    + Bảng kê các công việc bảo trì phần sở hữu chung, theo quy trình bảo trì đã lập theo quy định của pháp luật xây dựng.

    + Kèm theo hóa đơn, chứng từ chứng minh số tiền đã thanh toán cho đơn vị bảo trì.

    + Số liệu kinh phí bảo trì còn lại sau khi trừ đi số tiền đã chi cho các công việc bảo trì (nếu có).

    Lưu ý: Nếu các công việc bảo trì thuộc nội dung bảo hành và còn trong thời gian bảo hành nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư không được trừ số tiền bảo trì cần chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

    Khi bảo trì chung cư, ai có trách nhiệm lập, quyết toán số liệu bàn giao kinh phí bảo trì? Khi bảo trì chung cư, ai có trách nhiệm lập, quyết toán số liệu bàn giao kinh phí bảo trì? (Hình từ Internet)

    Ai có trách nhiệm lập, quyết toán số liệu bàn giao kinh phí bảo trì chung cư?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 3, 4 Điều 39 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về việc lập, quyết toán số liệu bàn giao kinh phí bảo trì chung cư như sau:

    - Bên bàn giao và nhận bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục quyết toán số liệu kinh phí bảo trì này theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 153 Luật Nhà ở 2023 trước khi tiến hành việc bàn giao kinh phí.

    - Trong vòng 30 ngày kể từ khi Ban quản trị nhà chung cư có văn bản yêu cầu, chủ đầu tư và Ban quản trị có trách nhiệm thống nhất các số liệu liên quan đến kinh phí bảo trì, để làm cơ sở cho việc bàn giao kinh phí bảo trì.

    - Sau khi các số liệu kinh phí bảo trì được quyết toán, chủ đầu tư và Ban quản trị có trách nhiệm tiến hành bàn giao số kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, theo quy định tại Điều 153 Luật Nhà ở 2023.

    - Nếu nhà chung cư thuộc diện quy định tại khoản 4 Điều 155 của Luật Nhà ở 2023, nhưng trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và người mua/thuê mua căn hộ chưa có thỏa thuận về việc phân chia kinh phí bảo trì, thì các bên sẽ ký phụ lục hợp đồng để thống nhất tỷ lệ phân chia kinh phí bảo trì.

    Nếu không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì chung cư thì sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quản lý nhà chung cư của chủ đầu tư như sau:

    Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư
    3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
    a) Không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định;
    b) Quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành không đúng quy định;
    c) Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định;
    d) Không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định.
    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    s) Buộc lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này;
    t) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
    u) Buộc áp dụng cách tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
    v) Buộc đóng đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản đã lập theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;
    x) Buộc bàn giao đầy đủ hoặc bàn giao đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;
    y) Buộc sử dụng kinh phí bảo trì đúng quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này.

    Theo đó, nếu chủ đầu tư không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì chung cư theo quy định sẽ bị phạt từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ bị buộc lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định.

    Lưu ý: mức phạt tiền quy định trên là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

    saved-content
    unsaved-content
    113