Không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân?

Không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân? Hồ sơ khởi kiện quyết định hành chính về đất đai bao gồm?

Nội dung chính

    Không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024:

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
    ...
    3. Trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
    a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực thi hành.
    Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
    b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
    Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực thi hành.

    Theo quy định trên, trong trường hợp các bên tranh chấp khiếu nại đến Ủy ban nhân dân nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết thì các bên có thể khiếu nại tiếp đến cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc có thể kiện ra Tòa án theo quy định pháp luật tố tụng hành chính.

    Không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân? (Hình từ Internet)

    Không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân? (Hình từ Internet)

    Hồ sơ khởi kiện quyết định hành chính về đất đai bao gồm?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2015 được bổ sung bởi khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019:

    Đơn khởi kiện
    1. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
    a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
    b) Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
    c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
    d) Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;
    đ) Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);
    e) Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
    g) Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
    2. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

    Hồ sơ khởi kiện quyết định hành chính về đất đai bao gồm:

    (1) Nội dung chính của đơn khởi kiện:

    - Ngày, tháng, năm làm đơn;

    - Tòa án được yêu cầu giải quyết;

    - Thông tin của người khởi kiện, người bị kiện, người liên quan (tên, địa chỉ, số điện thoại, email...);

    - Nội dung quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khởi kiện;

    - Quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);

    - Yêu cầu giải quyết của người khởi kiện;

    - Cam đoan không đồng thời khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.

    (2) Tài liệu, chứng cứ kèm theo:

    Người khởi kiện phải nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích bị xâm phạm. Nếu không thể nộp đủ do lý do khách quan, người khởi kiện phải nộp tài liệu hiện có và bổ sung sau theo yêu cầu của Tòa án.

    Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong những trường hợp nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 236 Luật Đất đai 2024, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong các trường hợp sau:

    (1) Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất;

    (2) Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 nhưng các bên tranh chấp lựa chọn Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp

    (3) Các bên nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban Nhân dân nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết, sau đó khởi kiện ra tòa án.

    saved-content
    unsaved-content
    54
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT