Loading


Kinh phí bảo trì chung cư 2% dành cho đối tượng nào?

Kinh phí bảo trì chung cư 2% dành cho đối tượng nào? Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư có mục đích để ở với phần sở hữu chung như thế nào?

Nội dung chính

    Kinh phí bảo trì chung cư 2% dành cho đối tượng nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 152 Luật Nhà ở 2023 về việc đóng kinh phí bảo trì chung cư như sau:

    Kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu
    1. Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bán, cho thuê mua thì người mua, thuê mua phải đóng kinh phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ, phần diện tích bán, cho thuê mua này; khoản tiền này được tính riêng với tiền bán, tiền thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua.
    2. Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính tại thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đóng kinh phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó tại thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng.
    3. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà chưa thu kinh phí bảo trì thì các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này; mức đóng góp kinh phí có thể được nộp hằng tháng vào tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam do Ban quản trị nhà chung cư lập hoặc được đóng khi phát sinh công việc cần bảo trì.
    4. Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đóng khoản tiền này; trường hợp trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà giá mua, giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì thì chủ sở hữu thực hiện đóng khoản kinh phí bảo trì theo quy định tại khoản 3 Điều này.

    Theo đó, kinh phí bảo trì 2% của nhà chung cư được đóng bởi người mua hoặc thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư. Cụ thể:

    - Người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư từ chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích đó. Khoản tiền này được tính riêng và ghi rõ trong hợp đồng mua bán hoặc thuê mua.

    - Chủ đầu tư giữ lại căn hộ hoặc diện tích không bán hoặc chưa bán, tại thời điểm bàn giao nhà chung cư, cũng phải đóng 2% kinh phí bảo trì, tính theo giá bán căn hộ cao nhất tại thời điểm bàn giao.

    Ngoài ra, nếu hợp đồng mua bán căn hộ được ký trước ngày 01/07/2006 và chưa thu kinh phí bảo trì, các chủ sở hữu nhà chung cư sẽ họp để thống nhất mức đóng góp. Trường hợp hợp đồng ký từ 01/07/2006 đến trước khi Luật có hiệu lực mà không quy định rõ về kinh phí bảo trì, chủ đầu tư phải đóng hoặc chủ sở hữu đóng theo mức đóng góp đã được thống nhất.

    Kinh phí bảo trì chung cư 2% dành cho đối tượng nào?

    Kinh phí bảo trì chung cư 2% dành cho đối tượng nào? (Hình từ Internet)

    Có bắt buộc phải đóng kinh phí bảo trì nhà chung cư không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 vè các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư như sau:

    Các hành vi bị nghiêm cấm
    8. Các hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư bao gồm:
    a) Không đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (sau đây gọi chung là kinh phí bảo trì); quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì không đúng quy định của pháp luật về nhà ở;
    b) Cố ý gây thấm dột; gây tiếng ồn, độ rung quá mức quy định; xả rác thải,nước thải, khí thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc không đúng nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư; sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc; chăn, thả gia súc, gia cầm; giết mổ gia súc trong khu vực nhà chung cư;
    c) Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
    d) Tự ý sử dụng phần diện tích và trang thiết bị thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung vào sử dụng riêng; thay đổi mục đích sử dụng phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng;
    đ) Gây mất trật tự, an toàn, cháy, nổ trong nhà chung cư; kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ và ngành, nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan;
    e) Kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar; kinh doanh sửa chữa xe có động cơ; hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kinh doanh dịch vụ nhà hàng mà không bảo đảm tuân thủ yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư là không đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Như vậy, bắt buộc phải đóng kinh phí bảo trì chung cư.

    Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư có mục đích để ở với phần sở hữu chung như thế nào?

    Việc quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư dùng để ở được quy định tại khoản 1 Điều 36 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:

    Lập, bàn giao và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu
    1. Đối với nhà chung cư có mục đích để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác nhưng không phân chia riêng biệt được phần sở hữu chung của khu chức năng căn hộ và khu chức năng kinh doanh dịch vụ thì sau khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu, việc lập tài khoản, bàn giao và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung được thực hiện như sau:
    a) Ban quản trị nhà chung cư mở tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi tắt là tổ chức tín dụng) để quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của cả tòa nhà chung cư;
    b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Ban quản trị có văn bản đề nghị chuyển giao kinh phí bảo trì, chủ đầu tư và Ban quản trị có trách nhiệm quyết toán số liệu kinh phí bảo trì để chuyển sang tài khoản do Ban quản trị lập theo quy định tại điểm a khoản này để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật;
    c) Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích để ở có thể do một thành viên Ban quản trị hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
    Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp có tối thiểu là 03 thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản, số lượng thành viên tối đa do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Các thành viên tham gia đồng chủ tài khoản này phải có ít nhất 01 đại diện chủ sở hữu khu căn hộ, 01 đại diện chủ sở hữu diện tích khác (nếu có), 01 đại diện chủ đầu tư (nếu có) và một số thành viên khác do Hội nghị nhà chung cư quyết định (nếu có).
    Kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì quy định tại khoản này được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị do Hội nghị nhà chung cư thông qua.
    ...

    Theo đó, đối với nhà chung cư để ở hoặc nhà chung cư sử dụng hỗn hợp, sau khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu, Ban quản trị phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà. Trong vòng 30 ngày, chủ đầu tư và Ban quản trị phải quyết toán số liệu kinh phí bảo trì và chuyển vào tài khoản do Ban quản trị mở để sử dụng theo quy định của pháp luật.

    Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư để ở có thể là một hoặc nhiều thành viên Ban quản trị, do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Đối với nhà chung cư sử dụng hỗn hợp, tối thiểu ba thành viên Ban quản trị phải đứng tên đồng chủ tài khoản, bao gồm đại diện chủ sở hữu khu căn hộ, đại diện chủ sở hữu diện tích khác (nếu có), đại diện chủ đầu tư (nếu có), và các thành viên khác do Hội nghị quyết định. Quyết định về kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản sẽ được quy định trong quy chế tài chính của Ban quản trị.

    saved-content
    unsaved-content
    95