Loading


Mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm là gì? Đất xây dựng công trình ngầm có được cấp sổ đỏ không?

Mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm là gì? Đất xây dựng công trình ngầm có được cấp sổ đỏ không? Ai có thẩm quyền nghiệm thu công trình ngầm?

Nội dung chính

    Mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm là gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 216 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Đất xây dựng công trình ngầm
    1. Đất xây dựng công trình ngầm bao gồm đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất.
    2. Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất sau khi được Nhà nước xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc.
    3. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các dự án xây dựng công trình ngầm đồng thời có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
    4. Việc sử dụng đất xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
    a) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
    b) Phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;
    c) Bồi thường theo quy định của pháp luật đối với trường hợp gây thiệt hại đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất trên bề mặt của công trình ngầm;
    d) Việc xây dựng công trình ngầm phải được thực hiện theo dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật;
    đ) Tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng.
    ....

    Như vậy, đất xây dựng công trình ngầm được sử dụng với mục đích phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất.

    Bên cạnh đó, việc sử dụng đất xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

    - Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

    - Phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;

    - Bồi thường theo quy định của pháp luật đối với trường hợp gây thiệt hại đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất trên bề mặt của công trình ngầm;

    - Việc xây dựng công trình ngầm phải được thực hiện theo dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật;

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng.

    Quy định này cung cấp nền tảng pháp lý rõ ràng và cụ thể cho việc phát triển, quản lý và khai thác các công trình ngầm, đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả. Điều này cũng cho thấy xu hướng hiện đại trong việc tận dụng không gian ngầm tại các khu vực đô thị phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

    Mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm là gì? Đất xây dựng công trình ngầm có được cấp sổ đỏ không?

    Mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm là gì? Đất xây dựng công trình ngầm có được cấp sổ đỏ không? (Hình từ Internet)

    Đất xây dựng công trình ngầm có được cấp sổ đỏ không?

    Căn cứ theo khoản 6 Điều 216 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Đất xây dựng công trình ngầm
    ...
    6. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với đất xây dựng công trình ngầm được thực hiện theo quy định sau đây:
    a) Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình ngầm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với diện tích đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và được thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật này;
    b) Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình ngầm được chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình ngầm dưới mặt đất và thực hiện quyền của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
    7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Như vậy, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình ngầm được cấp sổ đỏ với đất đối với diện tích đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, đồng thời được thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai 2024.

    Ai có thẩm quyền nghiệm thu công trình ngầm?

    Căn cứ theo Điều 98 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Đất xây dựng công trình ngầm
    ...
    5. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất xây dựng công trình ngầm thực hiện theo quy định tại Điều 123 Luật Đất đai.
    6. Loại đất để xây dựng công trình ngầm được xác định theo mục đích sử dụng quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và Điều 5 Nghị định này không phụ thuộc vào loại đất đã được xác định trên mặt đất.
    7. Đối với không gian dưới lòng đất thì thực hiện như sau:
    a) Nhà đầu tư tổ chức thi công công trình trong lòng đất theo quy định của pháp luật về xây dựng;
    b) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức nghiệm thu công trình ngầm theo quy định của pháp luật về xây dựng và đo đạc, lập bản đồ công trình ngầm theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ;
    c) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quy định tại Điều 136 Luật Đất đai cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư dự án đối với phần diện tích xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm; chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình ngầm dưới mặt đất nếu chủ đầu tư có yêu cầu.

    Như vậy, cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức nghiệm thu công trình ngầm theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

    Việc nghiệm thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và đo đạc, lập bản đồ công trình ngầm theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.

    saved-content
    unsaved-content
    36