Người được ủy quyền có được tự ý bán đất cho người khác không? Người đại diện theo ủy quyền tự ý bán đất thì xử lý như thế nào?
Nội dung chính
Hợp đồng ủy quyền là gì?
Căn cứ theo điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Khi hợp đồng ủy quyền giao dịch đất còn hiệu lực, người được ủy quyền sẽ có quyền đại diện cho người ủy quyền (chủ sở hữu) thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai trong phạm vi quyền hạn mà hợp đồng đã quy định. Tuy nhiên, quyền này chỉ hợp pháp nếu các hành động của người được ủy quyền nằm trong giới hạn của hợp đồng.
Người được ủy quyền có được tự ý bán đất cho người khác không? Người đại diện theo ủy quyền tự ý bán đất thì xử lý như thế nào? (Hình từ Intrernet)
Người được ủy quyền có được tự ý bán đất cho người khác không?
Người được ủy quyền có quyền bán đất cho người khác chỉ khi điều này được quy định rõ trong hợp đồng ủy quyền. Nếu hợp đồng không cho phép hoặc có giới hạn nhất định, người được ủy quyền không thể tự ý bán đất mà không thông qua ý kiến hoặc sự chấp thuận của người ủy quyền. Nếu hợp đồng ủy quyền quy định về bán đất và không quy định rõ bán đất cho ai thì người được ủy quyền được phép quyền ký bán cho người mua.
Nếu hợp đồng ủy quyền quy định người được ủy quyền có quy định rõ ràng về quyền bán đất và thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất như chỉ giới hạn người được ủy quyền thực hiện một số công việc nhất định liên quan đến đất như nộp thuế đất, làm thủ tục hành chính mà không đề cập đến quyền bán đất.
Người được ủy quyền không có quyền tự ý bán đất khi hợp đồng không quy định, khi đó giao dịch có thể bị coi là vô hiệu do vượt quá thẩm quyền ủy quyền theo điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 về phạm vi đại diện
Phạm vi đại diện
1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Tóm lại, Người được ủy quyền chỉ có quyền bán đất cho người khác khi điều này được quy định rõ ràng trong hợp đồng ủy quyền. Nếu hợp đồng không cho phép hoặc có giới hạn nhất định, người được ủy quyền không thể tự ý bán đất mà không thông qua ý kiến hoặc sự chấp thuận của người ủy quyền.
Nếu hợp đồng ủy quyền chỉ giới hạn người được ủy quyền thực hiện một số công việc như nộp thuế hoặc làm thủ tục hành chính mà không quy định quyền bán đất, người được ủy quyền không có quyền tự ý bán đất. Trong trường hợp này, giao dịch bán đất có thể bị coi là vô hiệu vì vượt quá phạm vi ủy quyền theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 về phạm vi đại diện.
Người đại diện theo ủy quyền tự ý bán đất thì xử lý giao dịch này như thế nào?
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015, Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện
Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện
1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đồng ý;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Vì vậy, nếu người đại diện tự ý bán đất mà không có sự cho phép của chủ sở hữu thì hành vi này là vi phạm pháp luật, giao dịch dân sự giữa người đại diện và bên là giao dịch vô hiệu. Người đại diện phải chịu trách nhiệm với bên giao dịch, và bên giao dịch có quyền hủy giao dịch và yêu cầu bồi thường thiệt hại trừ trường hợp bên giao dịch biết việc người đại diện vượt quá phạm vi đại diện nhưng vẫn thực hiện giao dịch.