Loading


Nguyên tắc chung về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thế nào? Đường, phố được đặt tên trên cơ sở nào?

Nguyên tắc chung về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thế nào? Nguyên tắc về đặt tên đường, phố và công trình công cộng đối với danh nhân có tên gọi khác nhau như thế nào? Đường, phố được đặt tên trên cơ sở nào?

Nội dung chính

    Nguyên tắc chung về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thế nào?

    Căn cứ Mục 1 Chương 2 Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP quy định nguyên tắc chung về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng như sau:

    (1) Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt tên.

    (2) Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.

    Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

    (3) Không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị. Trong trường hợp đặc biệt thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể gắn với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của danh nhân để có phương án xử lý phù hợp.

    (4) Đô thị loại đặc biệt cần lựa chọn tên các địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu của cả nước hoặc của thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, nghệ thuật, khoa học, an ninh, quốc phòng… để đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

    Các đô thị còn lại, căn cứ vào phân loại cấp đô thị để lựa chọn sự kiện lịch sử - văn hoá, danh nhân đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng cho phù hợp; cần ưu tiên lấy địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, danh nhân tiêu biểu của địa phương mình để đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

    (5) Tên danh nhân nước ngoài được xem xét đặt cho đường, phố và công trình công cộng đô thị loại đặc biệt và địa phương, đơn vị gắn liền với những đóng góp to lớn của danh nhân.

    (6) Căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường, phố và công trình công cộng để đặt tên tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân.

    Nguyên tắc chung về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thế nào? Đường, phố được đặt tên trên cơ sở nào?

    Nguyên tắc chung về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thế nào? Đường, phố được đặt tên trên cơ sở nào? (Hình Internet)

    Nguyên tắc về đặt tên đường, phố và công trình công cộng đối với danh nhân có tên gọi khác nhau như thế nào?

    Tại Mục I Thông tư 36/2006/TT-BVHTT có quy định nguyên tắc về đặt tên đường, phố và công trình công cộng đối với danh nhân có tên gọi khác nhau như sau:

    (1) Trong lịch sử có một số danh nhân có các tên gọi khác nhau (Ví dụ: Nguyện Huệ, Quang Trung; Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh;…), việc đặt tên được thực hiện theo nguyên tắc sau:

    Không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị, trừ các trường hợp sau đây:

    - Địa phương là quê hương của danh nhân (Ví dụ: Thành phố Vinh có thể đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng tên gọi Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hồ Chí Minh).

    - Địa phương gắn bó trực tiếp với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của danh nhân (Ví dụ: thành phố Quy Nhơn, thành phố Huế có thể đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng tên gọi Nguyễn Huệ, Quang Trung).

    (2) Căn cứ vào ý nghĩa lịch sử, loại đô thị, vị trí, quy mô đường, phố hoặc công trình công cộng lớn hay nhỏ để đặt tên cho tương xứng với tầm vóc của danh nhân.

    Đường, phố được đặt tên trên cơ sở nào?

    Căn cứ Điều 10 Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP quy định đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây :

    (1) Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.

    (2) Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội.

    (3) Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

    (4) Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.

    (5) Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

    Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

    saved-content
    unsaved-content
    53