Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thuộc nhóm đất nào?

Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thuộc nhóm đất nào? Đảm bảo an toàn về môi trường nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp ra sao?

Nội dung chính

    Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thuộc nhóm đất nào?

    Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
    ...
    5. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, bao gồm:
    a) Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp là đất xây dựng các công trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; kể cả nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, công trình dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công trình hạ tầng và các công trình khác trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung;
    b) Đất thương mại, dịch vụ là đất xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại; cơ sở lưu trú, dịch vụ cho người chơi gôn (trừ phần đường gôn của sân gôn, sân tập trong sân gôn và hệ thống cây xanh, mặt nước, cảnh quan, hạng mục công trình phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, kinh doanh sân gôn); trụ sở, văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế; đất làm kho, bãi để hàng hóa của tổ chức kinh tế không thuộc khu vực sản xuất; bãi tắm gắn với cơ sở kinh doanh, dịch vụ;
    c) Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là đất xây dựng các công trình sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, kể cả trụ sở và các công trình khác phục vụ cho sản xuất hoặc cho người lao động gắn liền với cơ sở sản xuất; đất làm sân kho, nhà kho, bãi gắn với khu vực sản xuất;

    Theo đó, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

    Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thuộc nhóm đất nào?

    Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp thuộc nhóm đất nào? (Hình từ Internet) 

    Đảm bảo an toàn về môi trường nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp ra sao?

    Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải đảm bảo an toàn về môi trường theo các quy định tại Điều 59 Nghị định 100/2024/NĐ-CP sau:

    - Khoảng cách an toàn về môi trường của nhà lưu trú phải tuân thủ pháp luật về môi trường, pháp luật về xây dựng bảo đảm an toàn cho công trình và được xác định đồng bộ khi đánh giá tác động môi trường của khu công nghiệp.

    - Phải có lối đi và cổng riêng với lối đi của khu sản xuất công nghiệp, khoảng cách của cổng và lối đi riêng phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

    - Phải bố trí tường rào cách ly riêng khu nhà lưu trú công nhân và khu sản xuất công nghiệp.

    - Phải bố trí dải cây xanh cách ly quanh khu nhà lưu trú công nhân với chiều rộng ≥ 10 m.

    - Phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường của các đối tượng gây ô nhiễm trong khu công nghiệp là các nhà xưởng sản xuất, kho chứa vật liệu, thành phẩm, phế thải có tính chất độc hại và các công trình phụ trợ có phát sinh chất thải ngoài dân dụng khác.

    Cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được quy định ra sao?

    Việc cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp việc cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp theo quy định tại Điều 60 Nghị định 100/2024/NĐ-CP như sau:

    (1) Đối với trường hợp nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định sau:

    - Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng đầu tư xây dựng hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân được ủy quyền chịu trách nhiệm cho thuê đúng đối tượng là công nhân lao động trong khu công nghiệp;

    - Công nhân có nhu cầu thuê nhà lưu trú phải làm đơn theo Mẫu số 02 tại Phụ lục II Nghị định 100/2024/NĐ-CP, có xác nhận của doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp;

    - Trường hợp số đơn đăng ký thuê nhà lưu trú công nhân nhiều hơn tổng số nhà lưu trú công nhân thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm do chủ đầu tư tổ chức, có đại diện Ban quản lý khu công nghiệp tham gia và tổ chức công đoàn giám sát. Việc bốc thăm phải có biên bản kết quả bốc thăm;

    - Việc thuê nhà lưu trú công nhân phải lập thành Hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân;

    - Công nhân thuê nhà lưu trú phải trả tiền thuê nhà đầy đủ, không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng Hợp đồng thuê, nếu vi phạm sẽ bị hủy Hợp đồng hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    (2) Đối với trường hợp nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp do doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng thì công nhân có nhu cầu thuê nộp đơn theo Mẫu số 02 tại Phụ lục II Nghị định 100/2024/NĐ-CP và thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 60 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.

    Cạnh đó, tại Điều 61 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, việc quản lý, sử dụng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như sau:

    - Chủ đầu tư tự tổ chức quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân hoặc thuê, ủy thác cho đơn vị có năng lực quản lý vận hành thực hiện quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân đó.

    - Nhà lưu trú công nhân phải được cho thuê đúng đối tượng.

    - Không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng.

    - Việc bảo trì công trình phải tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    - Đơn vị quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân phải xây dựng nội quy sử dụng nhà lưu trú, công bố công khai để công nhân thuê nhà và các đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.

    - Đơn vị quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân được quyền kinh doanh các dịch vụ khác trong khu nhà lưu trú công nhân mà không bị luật cấm để giảm giá dịch vụ quản lý vận hành nhà ở.

    - Hoạt động quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân được hưởng cơ chế ưu đãi như đối với dịch vụ công ích.

    saved-content
    unsaved-content
    52
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT