Loading


Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động dầu khí? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà thầu thực hiện hoạt động dầu khí?

Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động dầu khí? Vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động dầu khí?

    Căn cứ Điều 9 Luật Dầu khí 2022  quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dầu khí gồm:

    - Thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

    - Lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây ô nhiễm môi trường.

    - Lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí để khai thác tài nguyên, khoáng sản khác.

    - Cản trở các hoạt động hợp pháp trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

    - Cố ý phá hoại tài sản, thiết bị, công trình dầu khí; hủy hoại mẫu vật, thông tin, dữ liệu thu được trong quá trình điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

    - Cung cấp trái pháp luật mẫu vật, thông tin, dữ liệu thu được từ điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

    - Tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

    Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động dầu khí? (Hình từ Internet)

    Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà thầu tham gia hoạt động dầu khí?

    Theo Điều 27 Luật Dầu khí 2022 quy định cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà thầu thực hiện hoạt động dầu khí như sau:

    Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
    1. Trên cơ sở hợp đồng dầu khí đã được ký kết, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà thầu thực hiện hoạt động dầu khí.
    2. Nội dung chính của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
    a) Tên hợp đồng dầu khí, lô dầu khí, dự án dầu khí;
    b) Mục tiêu và quy mô;
    c) Địa điểm thực hiện;
    d) Văn phòng điều hành;
    đ) Các bên nhà thầu, tỷ lệ quyền lợi tham gia, người điều hành;
    e) Cam kết tài chính tối thiểu của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí;
    g) Trách nhiệm của nhà thầu về tài chính, kỹ thuật và tự chịu rủi ro;
    h) Quyền của nhà thầu được thu hồi các chi phí từ sản lượng khai thác dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí;
    i) Thời hạn của hợp đồng dầu khí;
    k) Ngày có hiệu lực của hợp đồng dầu khí.
    3. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

    Như vậy, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà thầu thực hiện hoạt động dầu khí dựa rên cơ sở hợp đồng dầu khí đã được ký kết.

    Vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm những gì?

    Tại Điều 8 Luật Dầu khí 2022  quy định về vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển như sau:

    Yêu cầu về an toàn dầu khí
    1. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí.
    2. Vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm:
    a) Vùng cấm xâm nhập đối với các công trình dầu khí trên biển, ngoại trừ các công trình ngầm, là vùng được xác định bằng bán kính 500 mét tính từ rìa ngoài cùng của các công trình về mọi phía bao gồm cả vị trí thả neo đối với các phương tiện nổi, công trình di động, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
    b) Vùng cấm thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển là vùng được xác định trong phạm vi 02 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí bao gồm cả các công trình ngầm dưới đáy biển; các phương tiện, tàu thuyền không được thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển, trừ trường hợp đặc biệt do nhà thầu chấp thuận hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định.
    3. Vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên đất liền là vùng an toàn được xác định xung quanh các công trình, thiết bị phục vụ hoạt động dầu khí trên đất liền, tùy thuộc vào điều kiện địa lý, xã hội của nơi tiến hành hoạt động dầu khí, vì mục đích bảo đảm an toàn cho con người và phương tiện trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí.​
    4. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thực hiện các công việc bảo đảm an toàn dầu khí sau đây:
    a) Xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn, bao gồm chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
    b) Thiết lập, duy trì và phát triển hệ thống quản lý an toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động dầu khí;
    c) Thiết lập và duy trì hệ thống ứng cứu khẩn cấp hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra các sự cố, tai nạn gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản;
    d) Trang bị hệ thống cảnh báo có khả năng phát hiện tình huống xấu có thể xảy ra gây nguy hiểm cho công trình, môi trường và tự động thông báo, thông tin cho trung tâm điều hành đối với các công trình dầu khí trên biển không có người làm việc thường xuyên;
    đ) Có tàu trực để bảo đảm ứng cứu kịp thời trong trường hợp khẩn cấp đối với các công trình dầu khí trên biển có người làm việc thường xuyên. Người điều hành hoạt động dầu khí ở các khu vực mỏ hoặc lô dầu khí lân cận có thể phối hợp sử dụng chung tàu trực nhưng phải bảo đảm có tàu trực liên tục để ứng cứu kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
    5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Theo đó, vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm:

    - Vùng cấm xâm nhập đối với các công trình dầu khí trên biển, ngoại trừ các công trình ngầm, là vùng được xác định bằng bán kính 500 mét tính từ rìa ngoài cùng của các công trình về mọi phía.

    Bao gồm cả vị trí thả neo đối với các phương tiện nổi, công trình di động, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

    - Vùng cấm thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển là vùng được xác định trong phạm vi 02 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí.

    Bao gồm cả các công trình ngầm dưới đáy biển; các phương tiện, tàu thuyền không được thả neo hoặc tiến hành các hoạt động ngầm dưới đáy biển, trừ trường hợp đặc biệt do nhà thầu chấp thuận hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    saved-content
    unsaved-content
    37