Loading


Những hành vi nào bị coi là can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng?

Hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng được quy định chi tiết như thế nào?

Nội dung chính

    Những hành vi nào bị coi là can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng?

    Hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng được quy định tại Khoản 2 Điều 190 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014. Theo đó: 

    Hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng là hành vi có khả năng uy hiếp an toàn hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

    - Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay đang bay;

    - Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay trên mặt đất;

    - Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

    - Bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay;

    - Xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

    - Đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và khu vực hạn chế khác trái pháp luật.

    Vật phẩm nguy hiểm bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ và các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, an toàn của chuyến bay;

    - Cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

    - Cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật uy hiếp đến an toàn khai thác tàu bay; khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm hoạt động bay.

    Liên quan đến vấn đề này, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin như sau:

    Theo quy định pháp luật hiện hành, an ninh hàng không là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang bị, thiết bị để phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho tàu bay, hành khách, tổ bay và những người dưới mặt đất. Vấn đề an ninh hàng không ở tất cả các quốc gia được xếp vào vị trí tối quan trọng không chỉ đối với an toàn ngành hàng không mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia, lãnh thổ của nước đó.

    Tại Việt Nam, song song với việc liệt kê các hành vi bị coi là can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, pháp luật cũng đồng thời quy định các chế tài xử phạt đối với các hành vi này bao gồm các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự. Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất, biểu hiện và mức độ nguy hiểm của hành vi đối với sự an toàn trong quá trình khai thác tàu bay, an ninh hàng không quốc gia mà người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh hàng không được quy định tại Bộ luật hình sự.

    Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

    saved-content
    unsaved-content
    939