Những trường hợp nào được giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng?

Những trường hợp nào được giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng? Việc sử dụng rừng sản xuất được quy định như thế nào? Rừng sản xuất được phát triển như thế nào?

Nội dung chính

    Những trường hợp nào được giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai 2024 quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất như sau:

    Giao đất không thu tiền sử dụng đất
    1. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này.
    2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên; đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu giữ tro cốt không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này; đất tín ngưỡng để bồi thường cho trường hợp Nhà nước thu hồi đất tín ngưỡng.
    3. Người sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

    Cụ thể, căn cứ theo khoản 3 Điều 16 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng cụ thể như sau:

    - Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có diện tích rừng; đơn vị vũ trang;

    - Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó.

    Những trường hợp nào được giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng?

    Những trường hợp nào được giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng? (Hình từ Internet)

    Việc sử dụng rừng sản xuất được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Mục 3 Chương VI Luật Lâm nghiệp 2017 và khoản 9 Điều 248 Luật Đất đai 2024 sửa đổi khoản 4 Điều 60 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định việc sử dụng rừng sản xuất được quy định như sau:

    (1) Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên

    - Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:

    + Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

    + Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.

    - Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên thực hiện theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017 và Quy chế quản lý rừng.

    (2) Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng

    - Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.

    - Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.

    - Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017 và Quy chế quản lý rừng.

    (3) Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất

    - Được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, không làm suy giảm chất lượng rừng.

    - Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, không làm thoái hóa, ô nhiễm đất; không chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

    - Được kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập.

    - Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không được ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

    - Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

    - Các hoạt động quy định tại Điều 60 Luật Lâm nghiệp 2017 thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Rừng sản xuất được phát triển như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 48 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định phát triển rừng sản xuất như sau:

    Phát triển rừng sản xuất
    1. Duy trì diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có; phục hồi rừng tự nhiên ở những diện tích trước đây đã khai thác mà chưa đạt tiêu chí thành rừng; chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi.
    2. Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.
    3. Khuyến khích trồng rừng hỗn loài, lâm sản ngoài gỗ; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi nó điều kiện thích hợp.

    Như vậy, việc phát triển rừng sản xuất được thực hiện theo như quy định trên.

    saved-content
    unsaved-content
    21
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT