Loading


Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển là gì?

Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển là gì? Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc nào?

Nội dung chính

    Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển là gì?

    Theo Điều 4 Nghị định 42/2024/NĐ-CP, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển được quy định như sau:

    - Khu vực biển được xác định để lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới, tọa độ theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc xác định khu vực biển để lấn biển đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại điểm a, b và d khoản 2 Điều 190 Luật Đất đai 2024.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, đưa khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển vào phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai theo khu chức năng, loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện của quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

    - Trường hợp khu vực biển được xác định để lấn biển đã có trong quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 40 Luật Đất đai 2013) nhưng chưa có trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Trường hợp khu vực biển xác định để lấn biển chưa có trong quy hoạch tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

    - Dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã có văn bản chấp thuận thực hiện dự án có hoạt động lấn biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì diện tích khu vực biển được xác định để lấn biển được tổng hợp vào tổng diện tích của đơn vị hành chính; sau khi hoàn thành lấn biển, diện tích các loại đất được bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất ghi trong dự án đầu tư có hoạt động lấn biển vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phân bổ.

    - Khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển phải bố trí và dành quỹ đất để xây dựng công trình hạ tầng công cộng, bao gồm lối đi xuống biển theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân, cộng đồng.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và điều kiện thực tế ở địa phương để quyết định cụ thể quỹ đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng quy định tại khoản này phù hợp với từng dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển.

    Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển là gì?

    Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển là gì? (Hình ảnh từ internet)

    Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc nào?

    Tại khoản 2 Điều 190 Luật Đất đai 2024 quy định về các hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

    - Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

    - Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị.

    - Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng.

    - Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, hoạt động lấn biển tại Việt Nam cần tuân thủ các nguyên tắc chính bao gồm việc bảo vệ an ninh, chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, đồng thời đảm bảo tính phù hợp với các quy định pháp luật và điều ước quốc tế. Đánh giá đầy đủ về tác động kinh tế, xã hội và môi trường là yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững, trong khi quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng cần được tôn trọng. Hơn nữa, việc khai thác tài nguyên biển phải được thực hiện hiệu quả và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, cùng với việc đảm bảo quyền tiếp cận biển cho cộng đồng. Cuối cùng, mọi hoạt động lấn biển phải được thực hiện thông qua dự án đầu tư được phê duyệt theo quy định pháp luật.

    Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 189 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Đất có mặt nước ven biển
    1. Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để sử dụng vào các mục đích theo quy định của Luật này.
    2. Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển theo quy định sau đây:
    a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    b) Bảo vệ đất, làm tăng sự bồi tụ đất ven biển;
    c) Bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan;
    d) Không cản trở việc bảo vệ an ninh quốc gia và giao thông trên biển;
    đ) Bảo vệ chất lượng nước khu vực ven biển; không gây nhiễm mặn các tầng chứa nước dưới đất.

    Như vậy, việc sử dụng đất có mặt nước ven biển cần tuân thủ các quy định nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và an ninh. Cụ thể, việc sử dụng phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, bảo vệ và tăng cường bồi tụ đất ven biển, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, không cản trở an ninh quốc gia và giao thông biển, và bảo vệ chất lượng nước, tránh gây nhiễm mặn cho nước ngầm.

    saved-content
    unsaved-content
    41