Loading


Phân loại rừng như thế nào và mục đích của các loại rừng là gì theo quy định mới nhất hiện nay?

Phân loại rừng thế nào và mỗi loại rừng có vai trò gì? Hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp là gì? Chiếm đất rừng sản xuất trái phép dưới 3000 m2 thì bị xử lý ra sao?

Nội dung chính

    Có bao nhiêu loại rừng và mục đích của các loại rừng là gì?

    Căn cứ theo khoản 1, 2, 3, 4 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về phân loại rừng như sau:

    Phân loại rừng
    1. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau:
    a) Rừng đặc dụng;
    b) Rừng phòng hộ;
    c) Rừng sản xuất.
    2. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:
    a) Vườn quốc gia;
    b) Khu dự trữ thiên nhiên;
    c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;
    d) Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
    đ) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
    3. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:
    a) Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
    b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
    4. Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

    Theo đó, có 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, trong đó:

    - Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu nhằm mục đích:

    +Bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái;

    +Nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng;

    +Cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

    - Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu nhằm mục đích:

    + Để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

    + Cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

    - Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để:

    + Cung cấp lâm sản;

    + Sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp;

    + Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

    + Cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

    Phân loại rừng như thế nào và mục đích của các loại rừng là gì? (Hình ảnh từ Internet)

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp là gì?

    Căn cứ Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định như sau:

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp
    1. Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.
    2. Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.
    3. Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
    4. Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.
    5. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng.
    6. Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
    7. Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.
    8. Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.
    9. Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.

    Theo đó, các hành vi trên được xem là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp.

    Hành vi chiếm rừng sản xuất có diện tích dưới 3000 m2 của chủ rừng khác bị xử phạt như thế nào?

    Theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 35/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp quy định như sau:

    Lấn, chiếm rừng
    Hành vi dịch chuyển mốc giới, ranh giới rừng hoặc chiếm rừng của chủ rừng khác; rừng thuộc sở hữu toàn dân chưa giao, chưa cho thuê, bị xử phạt như sau:
    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:
    ...
    b) Rừng sản xuất có diện tích dưới 3.000 m2;
    ...

    Theo đó, người có hành vi chiếm rừng sản xuất có diện tích dưới 3000 m2 thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

    Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt bằng 02 lần cá nhân.

    saved-content
    unsaved-content
    88