Loading


Pháp luật quy định như thế nào về việc phối hợp cung cấp, xác minh, rà soát thông tin lý lịch tư pháp?

Pháp luật quy định như thế nào về việc phối hợp cung cấp, xác minh, rà soát thông tin lý lịch tư pháp?

Nội dung chính

    Pháp luật quy định như thế nào về việc phối hợp cung cấp, xác minh, rà soát thông tin lý lịch tư pháp?

    Theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng ban hành ngày 10 tháng 05 năm 2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thì việc phối hợp cung cấp, xác minh, rà soát thông tin lý lịch tư phápđược quy định như sau:

    Điều 24. Phối hợp cung cấp thông tin giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu khác

    Việc phối hợp cung cấp thông tin giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu khác theo quy định tại Điều 5 và Điều 16 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP được thực hiện như sau:

    - Trong quá trình cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, trường hợp các thông tin về nhân thân như: họ, tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, nơi cư trú, họ tên cha, mẹ, vợ, chồng và thông tin khác về nhân thân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có điểm chưa rõ ràng, chính xác thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp gửi văn bản cho các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân để xác minh, làm rõ, cụ thể như sau:

    + Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch cung cấp thông tin về họ, tên, ngày tháng năm sinh, họ tên cha, mẹ, vợ, chồng và những thông tin khác về nhân thân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

    Trong trường hợp có sự sai lệch thông tin về nhân thân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch để xác minh tính chính xác của thông tin;

    + Cơ quan đăng ký hộ tịch đã ban hành quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, cấp giấy chứng tử cho người từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện cung cấp thông tin về việc thay đổi, cải chính hộ tịch và chứng từ;

    + Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý chứng minh nhân dân thực hiện xác minh, cung cấp thông tin về nơi cư trú, số chứng minh nhân dân của người bị kết án, người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

    - Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư; cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch; cơ quan đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý chứng minh nhân dân có nhiệm vụ xác minh, cung cấp thông tin cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp đã đề nghị trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp thông tin. Đối với những trường hợp đặc biệt cần xác minh nhiều nơi được phép kéo dài thời hạn nhưng không quá 20 ngày làm việc.

    - Việc phối hợp cung cấp, xác minh, rà soát thông tin lý lịch tư pháp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp, bảo vệ bí mật nhà nước và lưu trữ quốc gia.

    Điều 25. Phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích

    - Việc phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức để cập nhật thông tin vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP được thực hiện như sau:

    + Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) hoặc trực tiếp xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú sau khi chấp hành xong bản án về việc người đó bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không;

    + Cán bộ tư pháp - hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác minh theo yêu cầu của Sở Tư pháp. Trường hợp cần thiết, cán bộ tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để phối hợp với Công an cấp xã thực hiện xác minh;

    + Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ gửi văn bản thông báo kết quả xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) cho Sở Tư pháp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác minh;

    + Trường hợp Sở Tư pháp trực tiếp xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú sau khi chấp hành xong bản án, thì việc trực tiếp xác minh phải được lập thành biên bản. Biên bản làm việc phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản, họ tên, chức vụ của người tham gia, nội dung làm việc, kết quả xác minh, giấy tờ văn bản kèm theo (nếu có). Biên bản được lập thành hai bản, có chữ ký của người đại diện các cơ quan tham gia và phải được đóng dấu xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi thực hiện việc xác minh.

    - Trường hợp Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tiến hành xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cập nhật vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

    - Trường hợp kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này cho thấy người bị kết án có thể đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp thực hiện xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan để làm rõ về việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không. Việc tiến hành xác minh được thực hiện như sau:

    + Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch);

    + Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra có nhiệm vụ gửi văn bản thông báo kết quả xác minh (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp đã yêu cầu trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

    - Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án dân sự có nhiệm vụ gửi văn bản thông báo kết quả xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi nhận được yêu cầu của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

    Điều 26. Phối hợp rà soát cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

    - Định kỳ 6 tháng và hằng năm, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Tòa án quân sự Trung ương, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Cục Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, các trại giam, trại tạm giam, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp thực hiện rà soát về số lượng thông tin lý lịch tư pháp đã cung cấp.

    Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Vụ Thống kê tổng hợp thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát cung cấp thông tin lý lịch tư pháp do Tòa án cung cấp.

    - Định kỳ hằng quý, Sở Tư pháp phối hợp với các Tòa phúc thẩm, Ban thư ký Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện (Bộ phận thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) nơi các cơ quan này có trụ sở để thực hiện rà soát về số lượng thông tin lý lịch tư pháp đã cung cấp theo quy định tại Điều 13, Điều 14, khoản 3 Điều 15, khoản 4 Điều 16, Điều 17, Điều 20 Thông tư liên tịch này.

    - Việc phối hợp rà soát về số lượng thông tin lý lịch tư pháp đã cung cấp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

    + Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhiệm vụ gửi cho các cơ quan có liên quan quy định tại khoản 1 Điều này văn bản đề nghị kèm theo trích sao báo cáo thống kê thông tin lý lịch tư pháp đã nhận được để phối hợp rà soát, đối chiếu.

    Tòa án quân sự Trung ương, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Cục Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, các trại giam, trại tạm giam, Phòng Cảnh sát thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ rà soát, đối chiếu số liệu thông tin lý lịch tư pháp mà cơ quan, đơn vị đó có nhiệm vụ cung cấp và thông báo cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị rà soát thông tin lý lịch tư pháp.

    Trường hợp số lượng thông tin lý lịch tư pháp cung cấp chưa đầy đủ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đề nghị Tòa án quân sự Trung ương, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Cục Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an, các trại giam, trại tạm giam, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp cung cấp thêm thông tin;

    + Sở Tư pháp có nhiệm vụ gửi cho các cơ quan có liên quan quy định tại khoản 2 Điều này văn bản đề nghị kèm theo trích sau báo cáo thống kê thông tin lý lịch tư pháp đã nhận được để phối hợp rà soát, đối chiếu.

    Các Tòa phúc thẩm, Ban thư ký Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục thi hành án dân sự huyện, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện (Bộ phận thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) có nhiệm vụ rà soát, xác minh, đối chiếu số liệu thông tin lý lịch tư pháp mà cơ quan, đơn vị đó có nhiệm vụ cung cấp và thông báo cho Sở Tư pháp trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị rà soát thông tin lý lịch tư pháp.

    Trường hợp số lượng thông tin lý lịch tư pháp cung cấp chưa đầy đủ, Sở Tư pháp đề nghị các Tòa phúc thẩm, Ban Thư ký Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện (Bộ phận thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) xác minh, cung cấp thêm thông tin.

    - Định kỳ 06 tháng và hằng năm, trên cơ sở kết quả rà soát cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp phối hợp thực hiện rà soát việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Việc phối hợp rà soát về số lượng thông tin lý lịch tư pháp giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp thông tin lý lịch tư pháp chưa đầy đủ, có sai sót, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho đầy đủ, chính xác.

    saved-content
    unsaved-content
    27