Loading


Quy hoạch không gian biển quốc gia các huyện đảo, thành phố đảo tầm nhìn đến năm 2050

Tầm nhìn đến năm 2050 của quy hoạch không gian biển quốc gia của các huyện đảo và thành phố đảo theo Nghị quyết 139/2024/QH15

Nội dung chính

    Phạm vi quy hoạch không gian biển quốc gia bao gồm những gì?

    Theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 139/2024/QH15 về phạm vi quy hoạch không gian biển quốc gia bao gồm vùng đất ven biển, các đảo, các quần đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam, cụ thể:

    (1) Vùng đất ven biển là vùng đất liền của các đơn vị hành chính cấp huyện có biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển;

    (2) Các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế;

    (3) Vùng biển bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982;

    (4) Vùng trời trên vùng đất ven biển, các đảo, các quần đảo và vùng biển theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    Quy hoạch không gian biển quốc gia các huyện đảo, thành phố đảo tầm nhìn đến năm 2050

    Căn cứ Điều 4 Nghị quyết 139/2024/QH15 về nội dung phân vùng sử dụng không gian biển, đối với vùng đất ven biển và các đảo, các quần đảo có đến 12 huyện đảo, thành phố đảo trên cả nước.

    Theo đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của 12 huyện đảo, thành phố đảo để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử, giá trị văn hóa, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng công trình lưỡng dụng, hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và Nhân dân trên đảo. Một số nội dung cụ thể đối với từng huyện đảo, thành phố đảo như sau:

    - Huyện đảo Cô Tô: Xây dựng huyện đảo có kinh tế phát triển, quốc phòng, an ninh vững chắc; trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn với lịch sử, văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên với các chức năng dịch vụ giải trí tổng hợp, thể thao, du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp và nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, môi trường sinh thái; là trung tâm hậu cần nghề cá và cứu hộ, cứu nạn vùng Đông Bắc. Mở rộng quỹ đất phát triển đô thị hiện có tại đảo Cô Tô Lớn, Thanh Lân; bố trí đất ở và di dân ra đảo Trần;

    - Huyện đảo Vân Đồn: Xây dựng thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là đô thị biển đảo xanh kết hợp các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống, hiện đại, thông minh và bền vững;

    - Huyện đảo Bạch Long Vĩ: Xây dựng huyện đảo phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, vững mạnh về quốc phòng, an ninh trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, thu hút ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản; phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khu vực phía Bắc;

    - Huyện đảo Cát Hải: Phát triển huyện đảo trở thành trọng điểm kinh tế biển của thành phố Hải Phòng, trung tâm dịch vụ cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại; huyện đảo thông minh, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; đảo Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái có tầm quốc tế;

    - Huyện đảo Cồn Cỏ: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm tránh trú bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển của khu vực;

    - Huyện đảo Hoàng Sa: Tiếp tục khẳng định chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ;

    - Huyện đảo Lý Sơn: Xây dựng thành đảo du lịch sinh thái gắn với phát triển đô thị xanh, thông minh và các căn cứ dịch vụ hậu cần trên biển;

    - Huyện đảo Trường Sa: Xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Trước mắt, tập trung cho hậu cần nghề cá; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân vươn khơi bám biển, bám đảo, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo;

    - Huyện đảo Phú Quý: Xây dựng thành đô thị đảo thông minh, phát triển nhanh, sôi động, tăng trưởng xanh và chú trọng nâng cao năng lực phòng thủ. Đẩy mạnh chế biến thủy sản theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi khai thác, cung ứng dịch vụ hậu cần; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong bảo quản, sơ chế hải sản, nâng cao giá trị gia tăng; ưu tiên phát triển mạnh du lịch trở thành mũi nhọn, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch với chất lượng cao;

    - Huyện đảo Côn Đảo: Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo; phát triển mạnh du lịch và dịch vụ chất lượng cao; xây dựng đảo trở thành đô thị sinh thái biển đặc sắc có tầm cỡ khu vực và quốc tế với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó sớm mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo; bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử, giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học biển với trung tâm là vườn quốc gia Côn Đảo;

    - Huyện đảo Kiên Hải: Xây dựng thành trung tâm kinh tế biển với những hoạt động nổi bật như: dịch vụ du lịch biển đảo dựa vào cộng đồng, nuôi biển và chế biến thủy sản; xây dựng, nâng cấp các cảng cá kết hợp công tác hậu cần, dịch vụ logistics cho nuôi biển;

    - Thành phố Phú Quốc: Xây dựng thành đô thị xanh, thông minh; trung tâm kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái biển đảo với nhiều giá trị khác biệt, có chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế gắn với đặc thù là đảo tiền tiêu biên giới có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh;

    Đối với các đảo khác có tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, quan trọng, cần tiếp tục củng cố, bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển một số ngành kinh tế và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phù hợp với đặc thù của từng đảo.

    Quy hoạch không gian biển quốc gia các huyện đảo, thành phố đảo tầm nhìn đến năm 2050 (hình từ internet)

    Quy hoạch không gian biển quốc gia các huyện đảo, thành phố đảo tầm nhìn đến năm 2050 (hình từ internet)

    Dự kiến các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện

    Theo Điều 5 Nghị quyết 139/2024/QH15 quy định như sau:

    Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện
    1. Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thứ tự ưu tiên thực hiện được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.
    2. Trường hợp phát sinh các dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ được bổ sung vào Danh mục quy định tại khoản 1 Điều này đồng thời với trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

    Như vậy danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện được quy định như trên. 

    saved-content
    unsaved-content
    55