Loading


Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào?

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào? Số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được quy định thế nào? Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có các nội dung nào?

Nội dung chính

    Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào?

    Tại khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như sau:

    *Ngân hàng thương mại có quyền và nghĩa vụ sau:

     - Ngân hàng thương mại có quyền:

    +Từ chối phát hành thư bảo lãnh cho bên mua nếu hợp đồng mua, thuê mua nhà ở chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan hoặc sau khi đã chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư;

    +Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số tiền không thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc số tiền bên mua nộp vượt quá tỷ lệ quy định tại Điều 25 Luật Kinh doanh bất động sản hoặc bên mua không xuất trình được thư bảo lãnh mà ngân hàng thương mại đã phát hành cho người thụ hưởng là bên mua.

    - Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ:

    +Phát hành thư bảo lãnh và gửi cho chủ đầu tư hoặc bên mua (theo thỏa thuận) khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hợp lệ trước thời hạn giao, nhận nhà dự kiến quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

    +Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng thương mại phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của ngân hàng thương mại và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc địa bàn nơi có dự án nhà ở của chủ đầu tư, trong đó nêu rõ nội dung ngân hàng thương mại không tiếp tục phát hành thư bảo lãnh cho bên mua ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở với chủ đầu tư sau thời điểm ngân hàng thương mại chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư. Đối với các thư bảo lãnh đã phát hành cho bên mua trước đó, ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện cam kết cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt;

    +Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền trả thay tương ứng với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư được xác định căn cứ theo hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do bên mua cung cấp phù hợp với điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại thư bảo lãnh.

    *Chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau:

    - Chủ đầu tư có quyền:

    Đề nghị ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho tất cả bên mua thuộc dự án nhà ở hình thành trong tương lai được ngân hàng bảo lãnh trong thời hạn hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực.

    - Chủ đầu tư có nghĩa vụ:

    +Gửi thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua sau khi nhận được từ ngân hàng thương mại (theo thỏa thuận);

    +Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo, chủ đầu tư phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của chủ đầu tư (nếu có) và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc địa bàn nơi có dự án nhà ở của chủ đầu tư;

    +Thông báo chính xác cho ngân hàng thương mại số tiền đã nhận ứng trước của từng bên mua kể từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực.

    * Bên mua có quyền:

    + Được nhận thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành từ ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư gửi đến trong thời hạn hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực và trước thời hạn giao, nhận nhà dự kiến quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

    +Yêu cầu ngân hàng thương mại thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trên cơ sở xuất trình thư bảo lãnh kèm theo hồ sơ phù hợp với thư bảo lãnh (nếu có).

    Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào? (Hình từ Internet)

    Số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được quy định thế nào?

    Tại khoản 8 Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN có quy định về số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai như sau:

    + Số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng được xác định chính bằng số tiền thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Số dư bảo lãnh giảm dần khi nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên mua chấm dứt theo quy định tại Điều 23 Thông tư 11/2022/TT-NHNN;

    + Thời điểm ghi nhận số dư bảo lãnh là thời điểm chủ đầu tư thông báo với ngân hàng thương mại số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua kể từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực quy định tại điểm c khoản 8 Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN;

    + Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận về thời gian thông báo và cập nhật số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực trong tháng nhưng không muộn hơn ngày làm việc cuối cùng của tháng để làm cơ sở xác định số dư bảo lãnh. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông báo chính xác số tiền và thời điểm đã nhận ứng trước của các bên mua cho ngân hàng thương mại.

    Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có các nội dung nào?

    Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN có quy định về hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có các nội dung sau đây:

    + Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do chủ đầu tư gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

    + Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư có nghĩa vụ gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh;

    + Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư;

    + Pháp luật áp dụng. Trường hợp không quy định cụ thể pháp luật áp dụng thì được hiểu các bên thỏa thuận áp dụng theo pháp luật Việt Nam;

    + Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;

    + Nghĩa vụ được bảo lãnh;

    + Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;

    + Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh;

    + Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

    + Quyền và nghĩa vụ của các bên;

    + Phí bảo lãnh;

    + Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

    + Số hiệu, ngày ký, hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh;

    + Giải quyết tranh chấp phát sinh;

    + Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

    Lưu ý: trong trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng thì nội dung hợp đồng bảo lãnh hình thành trong tương lai không cần phải có phí bảo lãnh và thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

    saved-content
    unsaved-content
    41