Sắp có Luật Cán bộ công chức sửa đổi có hiệu lực thi hành từ năm 2026?
Nội dung chính
Sắp có Luật Cán bộ công chức sửa đổi có hiệu lực thi hành từ năm 2026?
Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Luật Cán bộ công chức sửa đổi nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị trên tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017.
Theo Đề cương Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Cán bộ công chức sửa đổi sẽ có 8 chương với 64 điều khoản quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm thi hành công vụ.
Trong đó, nguyên tác quản lý cán bộ công chức sẽ được cơ bản kế thừa các nguyên tắc đã được quy định tại Điều 5 Luật Cán bộ, công chức 2008. Ngoài ra, bổ sung quy định theo hướng xác định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá cán bộ công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm và quy định cơ chế quản lý cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số.
Về vấn đề nghĩa vụ của cán bộ công chức, theo Điều 7 Đề cương Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), quy định về nghĩa vụ của cán bộ công chức sẽ kế thừa Điều 8, Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008 (có rà soát để đảm bảo thống nhất với các quy định). Ngoài ra, bổ sung quy định về: (01) Nghĩa vụ của cán bộ, công chức có trách nhiệm với công việc; (02) Nghiêm cấm biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng.
Tải về Đề cương Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Sắp có Luật Cán bộ công chức sửa đổi có hiệu lực thi hành từ năm 2026? (Hình từ Internet)
Cán bộ công chức có những nghĩa vụ gì trong thi hành công vụ theo pháp luật hiện hành?
Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:
Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, cán bộ công chức có các nghĩa vụ theo quy định trên.
Nguyên tắc quản lý cán bộ công chức là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Cán bộ, công chức 2008, nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức như sau:
(1) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước.
(2) Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
(3) Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng.
(4) Việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ.
(5) Thực hiện bình đẳng giới.