Tổ chức nhận lại tiền đặt cọc khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp nào?
Nội dung chính
Nguyên tắc đấu giá quyền khai thác khoáng sản?
Nguyên tắc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Điều 101 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:
- Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo các nguyên tắc quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các nguyên tắc sau đây:
+ Chỉ tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
+ Cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất 02 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực đã được phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp giấy phép của mình.
- Chính phủ quy định chi tiết việc lập, phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản dựa theo những nguyên tắc như trên.
Tổ chức nhận lại tiền đặt cọc khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp nào?
Theo Điều 102 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 quy định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, tiền đặt cọc trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản như sau:
(1) Giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của khoáng sản cùng loại ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
(2) Bước giá được xác định tối thiểu là 1% và tối đa là 10% giá khởi điểm.
(3) Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được nhận lại tiền đặt cọc trong các trường hợp sau đây:
- Đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản, trừ trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV;
- Đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV;
- Không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản mà không phải do lỗi của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV;
- Không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV mà không phải do lỗi của tổ chức, cá nhân;
- Phải hoàn trả tiền đặt cọc do xử lý hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
(4) Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 104 Luật Địa chất và khoáng sản 2024, tiền đặt cọc không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 3 Điều 102 Luật Địa chất và khoáng sản 2024.
Như vậy, nội dung trên quy định về tổ chức nhận lại tiền đặt cọc khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong các trường hợp nêu trên.
Tổ chức nhận lại tiền đặt cọc khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản từ 01/7/2025
Căn cứ Điều 25 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 thì khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản như sau:
- Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, các loại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đang còn hiệu lực; khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản.
- Khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, quy hoạch tỉnh.
- Căn cứ vào yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; ngăn ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa; bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên; bảo vệ công trình quy định tại điểm e khoản 1 Điều 26 Luật Địa chất và khoáng sản 2024, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản có thể bị hạn chế về một, một số hoặc tất cả nội dung sau đây:
+ Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản;
+ Công suất khai thác khoáng sản;
+ Thời gian khai thác khoáng sản;
+ Diện tích, độ sâu khai thác khoáng sản và phương pháp thăm dò, khai thác khoáng sản.
- Căn cứ yêu cầu của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 quyết định việc hạn chế hoạt động khoáng sản.
Như vậy, khu vực hoạt động khoáng sản được quy định bao gồm những khu vực như trên.