Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được ghi nhận vào thời điểm nào?
Nội dung chính
Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được ghi nhận vào thời điểm nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 49/2024/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN như sau:
Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
...
7. Số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
a) Số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng được xác định bằng số tiền thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Số dư bảo lãnh giảm dần khi nghĩa vụ bảo lãnh đối với từng bên mua chấm dứt theo quy định tại Điều 23 Thông tư này;
b) Thời điểm ghi nhận số dư bảo lãnh là thời điểm chủ đầu tư thông báo với bên bảo lãnh số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua quy định tại điểm c khoản này và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;
c) Bên bảo lãnh và chủ đầu tư thỏa thuận về thời gian thông báo và cập nhật số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua trong tháng nhưng không muộn hơn ngày làm việc cuối cùng của tháng đế làm cơ sở xác định số dư bảo lãnh. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông báo chính xác số tiền và thời điểm đã nhận ứng trước của các bên mua cho bên bảo lãnh.
Theo đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đối với chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng được xác định bằng số tiền thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
Bên bảo lãnh và chủ đầu tư phải thỏa thuận về thời gian thông báo và cập nhật số tiền đã nhận ứng trước từ bên mua, đảm bảo thực hiện không muộn hơn ngày làm việc cuối cùng của tháng.
Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo chính xác số tiền và thời điểm đã nhận ứng trước của các bên mua cho bên bảo lãnh.
Như vậy, thời điểm ghi nhận số dư bảo lãnh là thời điểm chủ đầu tư thông báo với bên bảo lãnh số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được ghi nhận vào thời điểm nào? (Ảnh từ Internet)
Bên bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 49/2024/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư 11/2022/TT-NHNN như sau:
Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
...
8. Bên bảo lãnh có quyền và nghĩa vụ sau:
a) Bên bảo lãnh có quyền:
(i) Từ chối phát hành thư bảo lãnh cho bên mua nếu hợp đồng mua, thuê mua nhà ở chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan hoặc sau khi đã chấm dứt thỏa thuận cấp bảo lãnh;
(ii) Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số tiền không thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc số tiền bên mua nộp vượt quá tỷ lệ quy định tại Điều 25 Luật Kinh doanh bất động sản hoặc bên mua không xuất trình được thư bảo lãnh mà bên bảo lãnh đã phát hành cho là bên mua.
b) Bên bảo lãnh có nghĩa vụ:
(i) Phát hành thư bảo lãnh trước thời hạn giao, nhận nhà quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hợp lệ và gửi cho chủ đầu tư;
(ii) Trường hợp bên bảo lãnh và chủ đầu tư chấm dứt thỏa thuận cấp bảo lãnh trước thời hạn, chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo, bên bảo lãnh phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của bên bảo lãnh và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc địa bàn nơi có dự án nhà ở của chủ đầu tư, trong đó nêu rõ nội dung bên bảo lãnh không tiếp tục phát hành thư bảo lãnh cho bên mua ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở với chủ đầu tư sau thời điểm bên bảo lãnh chấm dứt thỏa thuận cấp bảo lãnh với chủ đầu tư. Đối với các thư bảo lãnh đã phát hành cho bên mua trước đó, bên bảo lãnh tiếp tục thực hiện cam kết cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt;
(iii) Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền trả thay tương ứng với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư được xác định căn cứ theo hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do bên mua cung cấp phù hợp với điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại thư bảo lãnh.
Như vậy, bên bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có quyền và nghĩa vụ theo quy định trên.
Chủ đầu tư dự án bất động sản nhà ở hình thành trong tương lai có trách nhiệm gì?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 như sau:
Nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai
...
4. Chủ đầu tư dự án bất động sản có trách nhiệm sau đây:
a) Trách nhiệm quy định tại Điều 17 của Luật này;
b) Sử dụng tiền đã thu từ bên mua, thuê mua để đầu tư xây dựng dự án, nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng đã được bán, cho thuê mua đúng mục đích sử dụng theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết; tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
c) Cung cấp công khai thông tin về tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng cho bên mua, thuê mua theo hợp đồng mua bán, thuê mua đã ký kết hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này cho sàn giao dịch bất động sản trong trường hợp lựa chọn phân phối sản phẩm thông qua sàn giao dịch bất động sản;
d) Không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Như vậy, chủ đầu tư dự án bất động sản nhà ở hình thành trong tương lai có trách nhiệm theo quy định trên.
Thông tư 49/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2024.