Loading


Thời hạn chủ động ra quyết định thi hành án là bao lâu?

Thời hạn là 05 ngày ra quyết định thi hành án được tính từ ngày nhận bản án sơ thẩm hay phúc thẩm có đúng không?

Nội dung chính

    Thời hạn chủ động ra quyết định thi hành án là bao lâu?

    (1) Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định về hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước. Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

    (2) Việc giao, nhận bản án, quyết định giữa Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện theo quy định tại Điều 28, Điều 29 Luật Thi hành án dân sự 2008. Đối với bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định. Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án đã ra quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự ngay sau khi ra quyết định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Toà án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.

    Khi nhận bản án, quyết định do Toà án chuyển giao, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định. Sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận bản án, quyết định; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định và tên Toà án đã ra bản án, quyết định; họ, tên, địa chỉ của đương sự và tài liệu khác có liên quan. Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên. Trong trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Toà án đã chuyển giao biết.

    (3) Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân phải xem xét để ra quyết định thi hành án theo đúng quy định.

    Khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải lưu ý chỉ ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định được thi hành quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, phải chú ý phân chia thành hai loại sau đây:

    Một là, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, gồm:

    - Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

    - Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án.

    - Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

    - Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án.

    - Quyết định của Trọng tài thương mại.

    Hai là, những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

    - Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc.

    - Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

    Do vậy, thời hạn chủ động ra quyết định thi hành án là 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự nhận được bản án, quyết định của Tòa án tùy từng bản án, quyết định cụ thể không xác định hòan tòan giống nhau theo thời điểm cơ quan thi hành án dân sự nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hay phúc thẩm.

    Ví dụ: Đối với bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị nhưng thuộc loại được thi hành ngay, thì thời hạn ra quyết định thi hành án là 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

    Đối với bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị (không thuộc loại được thi hành ngay) thì bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp này, thời hạn ra quyết định thi hành án là 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thi hành án dân sự nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

    saved-content
    unsaved-content
    26