Loading

08:14 - 07/11/2024

Thủ tục thành lập hội đồng trường của trường phổ thông tư thục

Thủ tục thành lập hội đồng trường của trường phổ thông tư thục như thế nào? Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường của trường phổ thông tư thục được quy định như thế nào

Nội dung chính

    Thủ tục thành lập hội đồng trường của trường phổ thông tư thục

    Theo Khoản 3 Điều 7 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT thủ tục thành lập hội đồng trường của trường phổ thông tư thục như sau:

    a) Căn cứ vào thành phần của hội đồng trường quy định tại khoản 2 Điều này, hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu quyết định số lượng thành viên hội đồng trường; cử hoặc bầu đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường; bầu chủ tịch hội đồng trường; làm tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản này ra quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường.

    b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông. Thư kí hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường chỉ định.

    Hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường của trường phổ thông tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập trường quyết định công nhận.

    c) Hằng năm, nếu có sự thay đổi về nhân sự, hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu làm tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bổ sung, kiện toàn hội đồng trường.

    d) Trường phổ thông tư thục đã có hội đồng quản trị có trách nhiệm thực hiện việc chuyển đổi hội đồng quản trị sang hội đồng trường theo quy định tại khoản này trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

    Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường của trường phổ thông tư thục

    Căn cứ Khoản 4 Điều này nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường của trường phổ thông tư thục như sau:

    a) Quyết nghị về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch phát triển của nhà trường, trình hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu thông qua;

    b) Quyết nghị về quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, trình hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu thông qua;

    c) Phê duyệt phương án tổ chức bộ máy và những vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự của nhà trường trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng; kiến nghị việc bổ sung, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên của hội đồng trường; đề nghị công nhận, miễn nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường, trình hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu thông qua và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận;

    d) Phê duyệt kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát hoạt động tuyển sinh và việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch giáo dục của nhà trường;

    đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, việc quản lý tài chính, tài sản của nhà trường và việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.

    saved-content
    unsaved-content
    235
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ