Tổ chức có được nhận quyền sử dụng đất thông qua phán quyết của trọng tài thương mại không?

Tổ chức có được nhận quyền sử dụng đất thông qua phán quyết của trọng tài thương mại không? Trọng tài thương mại có được giải quyết tranh chấp đất đai không?

Nội dung chính

    Trọng tài thương mại có được giải quyết tranh chấp đất đai không?

    Theo khoản 5 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
    ...
    5. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
    ...

    Theo đó, Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, nhưng chỉ trong trường hợp tranh chấp đó phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai. Đây là một phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên có thể lựa chọn thay vì đưa vụ việc ra tòa án, với điều kiện tranh chấp phải nằm trong phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, theo quy định trên trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai phát sinh từ hoạt động thương mại.

    Tổ chức có được nhận quyền sử dụng đất thông qua phán quyết của trọng tài thương mại không? (Hình từ Internet)

    Tổ chức có được nhận quyền sử dụng đất thông qua phán quyết của trọng tài thương mại không?

    Căn cứ theo điểm m khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024 quy định về nhận quyền sử dụng đất như sau:

    Nhận quyền sử dụng đất
    1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
    ...
    m) Tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia, tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất;

    Trọng tài thương mại là một cơ chế giải quyết tranh chấp phổ biến trong các tranh chấp kinh doanh, thương mại, trong đó có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Phán quyết của trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành như một bản án của tòa án sau khi được công nhận bởi tòa án có thẩm quyền. Điều này có nghĩa là, nếu một tranh chấp về quyền sử dụng đất được giải quyết bởi trọng tài thương mại, tổ chức có thể nhận quyền sử dụng đất dựa trên phán quyết này sau khi nó được thi hành hợp pháp.

    Như vậy, tổ chức trong nước được nhận quyền sử dụng đất quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam. Đây là phán quyết của cơ quan trọng tài thương mại, một cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế tòa án, được các bên trong tranh chấp chọn lựa.

    Thay đổi do phán quyết của Trọng tài thương mại có phải đăng ký biến động không?

    Theo điểm k khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định về đăng ký biến động như sau:

    Đăng ký biến động
    1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:
    k) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
    ...

    Như vậy, thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai thì phải đăng ký biến động.

    saved-content
    unsaved-content
    56
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT