Loading


Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp bắt cóc tống tiền gây chết người được quy định như thế nào?

Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp bắt cóc tống tiền gây chết người được quy định như thế nào? Vụ án bắt cóc tống tiền gây chết người do Tòa án nào có thẩm quyền xét xử sơ thẩm? Người khởi kiện trong vụ án bắt cóc tống tiền gây chết người có được miễn án phí không?

Nội dung chính

    Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp bắt cóc tống tiền gây chết người được quy định như thế nào?

    Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như sau:

    Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

    1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Có tính chất chuyên nghiệp;
    c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
    d) Đối với người dưới 16 tuổi;
    đ) Đối với 02 người trở lên;
    e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
    g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
    h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
    i) Tái phạm nguy hiểm.
    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
    b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
    b) Làm chết người;
    c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
    5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
    6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Theo quy định nói trên, nếu hành vi bắt cóc nhằm tống tiền mà dẫn đến hậu quả chết người thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và áp dụng hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp bắt cóc tống tiền gây chết người được quy định như thế nào? (Hình từ internet)

    Vụ án bắt cóc tống tiền gây chết người do Tòa án nào có thẩm quyền xét xử sơ thẩm?

    Căn cứ tại Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án như sau:

    Thẩm quyền xét xử của Tòa án

    1. Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:
    a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
    b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
    c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;
    d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
    2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:
    a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
    b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
    c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

    Căn cứ tại Điều 269 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo lãnh thổ của Tòa án như sau:

    Thẩm quyền theo lãnh thổ

    1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
    2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử.
    Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về phân loại tội phạm như sau:

    Phân loại tội phạm
    1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

    a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
    b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
    c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
    d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

    Như vậy. Hành vi bắt cóc tống tiền mà gây chết người thuộc hành vi cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 với mức cao  nhất của khung hình phạt là tù chung thân, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, hành vi bắt cóc tống tiền gây chết sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

    Người khởi kiện trong vụ án bắt cóc tống tiền gây chết người có được miễn án phí không?

    Theo Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:

    Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án

    1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
    a) Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
    b) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
    c) Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
    d) Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
    đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

    Pháp luật quy định việc khởi kiện yêu cầu bồi thường về tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

    Vậy, người khởi kiện trong vụ án bắt cóc tống tiền gây chết người sẽ được miễn án phí khi khởi kiện tại Tòa án.

    saved-content
    unsaved-content
    19