Loading


Báo cáo 02/BC-LĐTBXH năm 2024 sơ kết 03 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm, hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 02/BC-LĐTBXH
Ngày ban hành 03/01/2024
Ngày có hiệu lực 03/01/2024
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2024

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 3 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2020-2025

Ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch hành động). Ngày 28/4/2023 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn1 đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Kế hoạch hành động và xây dựng phương án, tổ chức đánh giá tại 03 tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động như sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp với nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng xâm hại trẻ em; nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc dư luận xã hội; Quốc hội lần đầu tiên thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

I. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện

1. Ngay sau khi Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 406/QĐ-LĐTBH ngày 10/4/2020 về việc Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung được giao; hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều có văn bản chỉ đạo và tổ chức các hội thảo hướng dẫn triển khai công tác trẻ em2 (trong đó có nội dung Kế hoạch hành động) đến các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và địa phương.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương kịp thời, tạo điều kiện để các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động.

2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động: (i) Bộ Công an đã ban hành kế hoạch số 137/KH-BCA-C02 ngày 25/3/2020 về việc triển khai Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho công an các đơn vị và địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; (ii) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 987/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2020 về Kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025 chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; (iii) 63/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động3.

3. Cùng với triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật pháp và các chương trình, đề án phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình, trường học, trên môi trường mạng và cộng đồng; ban hành 18 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ và tăng cường các giải pháp, nguồn lực thực hiện các nội dung và mục tiêu của Kế hoạch hành động. Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em ban hành 01 Công điện yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thuộc tỉnh, thành phố tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

II. Tình hình thực hiện hoạt động, giải pháp của Kế hoạch hành động

1. Công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Công tác xây dựng văn bản, hoàn thiện thể chế về phòng, chống xâm hại trẻ em được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo; các bộ, ngành đã chủ động rà soát, xây dựng, ban hành và tham mưu trình ban hành văn bản về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-20304, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 20305.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan tham gia xây dựng 05 Luật, Nghị quyết6,15 Nghị định, 03 Nghị quyết7 có liên quan tới phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong năm 2022, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều điểm mới, tiến bộ về việc hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là trẻ em và công tác phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Phối hợp với các cơ quan tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 03 Pháp lệnh8 có liên quan tới bảo vệ trẻ em góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng và ban hành 14 Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan về bảo vệ trẻ em, nhất là quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi9; hướng dẫn Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục10.

Các địa phương ban hành chính sách hỗ trợ học phí, giảm nghèo, trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn; Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị bạo lực, xâm hại11.

(Phụ lục I, II)

2. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội; trọng tâm là đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi và trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em.

Tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống cơ sở truyền thanh cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã; biên soạn tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em12; sản phẩm truyền thông mẫu13; hàng năm triển khai Tháng hành động vì trẻ em14. Truyền thông trên mạng xã hội, tin nhắn của các nhà mạng viễn thông, trong các cơ sở giáo dục; trên sách giáo khoa và các ấn phẩm dành cho người học, giáo viên; trong hệ thống thang máy và bên ngoài các tòa nhà cao tầng, tuyển phố về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111). Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em15; triển khai Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 cùng với chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm16 hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, bình an, không bạo lực, xâm hại trẻ em, góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc, bền vững.

Nhận thức của cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, các ngành, cha, mẹ, trẻ em và xã hội tăng lên rõ rệt, từ công tác phòng ngừa, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em, thực hiện hỗ trợ, can thiệp đến xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có sự chuyển biến tích cực; số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2022 tăng 20,5% so với năm 202017.

3. Phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục

100% cơ sở giáo dục thực hiện nâng cao năng lực, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường để phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường. Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm; tổ chức đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên phù hợp với chuyên môn, năng lực, đảm bảo không có cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo và việc áp dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực trong nhà trường; tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục.

Nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đã được tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh và các tài liệu hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục từ năm 2018 trong các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt/Ngữ văn, Sinh học,...; thông qua tiết sinh hoạt lớp, tiết sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động tập thể. Việc tích hợp lồng ghép vào từng bài giảng, tiết học bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và thực tiễn.

Ban hành Hướng dẫn về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin, thông báo về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em: hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát và các hình thức khác. Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh để tăng cường phối hợp quản lý, xử lý các tình huống liên quan tới bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; Xây dựng hệ thống theo dõi, thu nhận, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong cơ sở giáo dục của ngành Giáo dục; Tổ chức triển khai hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em tại các cơ sở giáo dục, 100% trẻ em bị xâm hại đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp từ cơ sở giáo dục và các đơn vị liên quan.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ