Loading


Báo cáo số 184/BC-UBTVQH12 về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa xii (2007 - 2011) do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 184/BC-UBTVQH12
Ngày ban hành 12/11/2008
Ngày có hiệu lực 12/11/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 184/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2008

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN CỦA CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2009, BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH CỦA QUỐC HỘI NHIỆM KỲ KHÓA XII (2007 - 2011)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ngày 23 tháng 10 năm 2008, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Đoàn thư ký kỳ họp đã tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Dưới đây, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011) như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2008

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành đánh giá của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, những khuyết điểm, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình này. Một số ý kiến phân tích, làm rõ nguyên nhân của việc chưa hoàn thành Chương trình, như việc cơ quan chủ trì soạn thảo, tham gia soạn thảo chưa dành thời gian hợp lý và quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng dự án; chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa bảo đảm; tiến độ chuẩn bị, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn chậm, ảnh hưởng nhiều đến việc thảo luận, cho ý kiến về các dự án; vẫn còn nhiều luật khung; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chậm, việc triển khai thực hiện luật, pháp lệnh trong thực tế chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá một cách đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc các khuyết điểm, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 nói riêng để đưa ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2008, cần thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, thiếu sót kéo dài trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua. Việc triển khai thực hiện chương trình còn thiếu kiên quyết; chất lượng, tiến độ chuẩn bị nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu; thiếu sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo dự án. Tình trạng cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị dự án chưa có định hướng chính sách rõ ràng, chưa lường hết tính chất phức tạp của dự án và những tác động của dự án đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước nếu được ban hành còn phổ biến. Tình trạng cục bộ trong quá trình soạn thảo chưa được khắc phục. Một số nội dung trong các dự án luật, pháp lệnh chưa được nghiên cứu thấu đáo, nên chỉ có thể quy định ở mức độ khung, còn lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết, làm cho luật, pháp lệnh được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để cùng với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục những yếu kém, tồn tại trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008; tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình xem xét, thông qua luật, pháp lệnh, cách thức tổ chức công việc ngày càng phù hợp và có hiệu quả hơn.

II. DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2009

1. Về định hướng lập Chương trình

Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội tán thành những định hướng cơ bản của việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 do Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị. Một số ý kiến yêu cầu trong quá trình chuẩn bị dự kiến Chương trình phải bám sát những định hướng đã đề ra, ưu tiên ban hành luật điều chỉnh các vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân hàng, tín dụng, đất đai, xây dựng cơ bản ...

Về vấn đề này, trong quá trình chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm bám sát các định hướng cơ bản được đề ra. Theo đó, các dự án thuộc Chương trình chính thức hầu hết là các dự án đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; các dự án về tài chính, ngân hàng, quyền tự do dân chủ của công dân, phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...; đồng thời, có tính đến khả năng thực hiện của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và tiến độ chuẩn bị dự án luật.

2. Về dự kiến Chương trình

Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với dự kiến Chương trình do Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình. Cũng có ý kiến cho rằng dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 quá nặng, nên cân nhắc rút bớt số lượng để bảo đảm tính khả thi, cụ thể chỉ nên thông qua khoảng 20 dự án luật, lưu ý không tập trung quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.

Về vấn đề này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XII gồm 128 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 93 dự án thuộc Chương trình chính thức (gồm 83 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh) và 35 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị. Tại kỳ họp này, dự kiến trình Quốc hội bổ sung 6 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh vào Chương trình chính thức. Như vậy, sẽ có 89 dự án luật, 16 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức. Trong khi đó, nếu tính cả 8 dự án luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 này thì mới thông qua được 27/89 dự án luật thuộc Chương trình chính thức. Quỹ thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ (tháng 5-2011) chỉ còn 5 kỳ họp Quốc hội, trong đó kỳ họp cuối nhiệm kỳ phải dành thời gian thỏa đáng cho công tác tổng kết nhiệm kỳ. Như vậy, để hoàn thành được Chương trình nhiệm kỳ khóa XII thì trung bình mỗi kỳ họp Quốc hội phải xem xét, thông qua ít nhất 12 dự án. Năm 2009 được coi là “năm bản lề” của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XII, do đó đề nghị Quốc hội cho bố trí Chương trình thông qua gồm 24 dự án luật. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cố gắng sắp xếp hợp lý, bảo đảm không dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện.

a) Về Chương trình chính thức

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc trình các dự án thông qua theo quy trình tại một kỳ họp như dự kiến, vì khó có thể bảo đảm chất lượng. Cụ thể, các dự án Luật cơ yếu, Luật thuế tài nguyên là các dự án có nhiều nội dung quan trọng, cần được thảo luận, xem xét kỹ; dự án Luật các vùng biển Việt Nam tuy đã được Quốc hội khoá XI cho ý kiến, nhưng là một dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, đại biểu Quốc hội khóa XII có đến 2/3 là mới, nên cần được xem xét, thông qua tại hai kỳ họp. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng nếu dự án luật được chuẩn bị tốt hoặc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thì nên trình Quốc hội theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến bố trí xem xét dự án Luật các vùng biển Việt Nam tại hai kỳ họp (cho ý kiến tại kỳ 5 và thông qua tại kỳ 6). Về các dự luật dự kiến thông qua tại một kỳ họp còn lại, chủ yếu là các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều, có phạm vi sửa đổi không lớn (như dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở chỉ sửa một điều, các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa chỉ sửa một số nội dung) hoặc được nâng lên từ các pháp lệnh hiện hành, không có sự thay đổi lớn về chính sách (như dự án Luật cơ yếu, Luật thuế tài nguyên). Theo báo cáo của Chính phủ, các dự án này đã có quá trình chuẩn bị tương đối kỹ, có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp. Do đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như dự kiến đã được đa số đại biểu tán thành.

- Có ý kiến đề nghị chưa ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, Luật trọng tài thương mại, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật dân quân tự vệ, Luật viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật bưu chính, Luật giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... trong năm 2009.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy hầu hết các dự án này đều có yêu cầu bức xúc, cần sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới; nhiều dự án thuộc Chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, được chuẩn bị tương đối kỹ, có thể trình Quốc hội để xem xét, thông qua. Sau khi cân nhắc một cách thận trọng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu chuyển dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, dự án Luật giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, Luật bưu chính sang Chương trình chuẩn bị.

Về chương trình xây dựng luật tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2009)

- Có ý kiến đề nghị cân nhắc chưa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, vì nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung chưa thật sự bức xúc. Có ý kiến đề nghị không ban hành Luật giáo viên trong năm 2009 mà để điều chỉnh vấn đề này trong Luật giáo dục. Một số ý kiến khác cho rằng việc ban hành Luật giáo viên là cần thiết và đề nghị ban hành cùng với Luật viên chức.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay có một số quy định trong Luật giáo dục còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, do đó việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục vào Chương trình năm 2009 là cần thiết. Về dự án Luật giáo viên, mặc dù trong Luật giáo dục có quy định về nhà giáo, nhưng còn mang tính chất khung, thiếu cụ thể. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy định mới của Luật cán bộ, công chức, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu chuyển dự án Luật giáo viên sang Chương trình chuẩn bị để xem xét, ban hành cùng với dự án Luật viên chức trong năm 2010.

- Có ý kiến đề nghị nhập Luật viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện và Luật bưu chính thành một luật; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật khám bệnh, chữa bệnh thành Luật bảo vệ sức khoẻ; Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thành một pháp lệnh; có ý kiến đề nghị rút dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật khỏi Chương trình.

Sau khi rà soát kỹ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, các dự án nêu trên có phạm vi, đối tượng, nội dung điều chỉnh khác nhau, nếu nhập chung vào một văn bản pháp luật khó có thể quy định cụ thể, chi tiết các chính sách pháp luật. Đây cũng là vấn đề đã được Quốc hội cân nhắc khi xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII. Hiện các dự án này đang được các Ban soạn thảo tích cực chuẩn bị. Do đó, xin Quốc hội cho ban hành các luật, pháp lệnh riêng để điều chỉnh các lĩnh vực này.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về vấn đề hợp nhất văn bản. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật trong Chương trình năm 2009 để bảo đảm triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

- Về dự án Luật lý lịch tư pháp, qua thảo luận tại Hội trường còn có ý kiến khác nhau, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ có báo cáo cụ thể với Quốc hội. Trước mắt, đề nghị Quốc hội cho giữ dự án Luật này trong Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 5 như đã dự kiến.

Về chương trình xây dựng luật tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2009)

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ