Loading


Báo cáo 522/BC-CP năm 2023 thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng do Chính phủ ban hành

Số hiệu 522/BC-CP
Ngày ban hành 08/10/2023
Ngày có hiệu lực 08/10/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Thị Hồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 522/BC-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2023

 

BÁO CÁO

VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN VÀ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ, CHẤT VẤN TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XV ĐẾN HẾT KỲ HỌP THỨ 4 ĐỐI VỚI LĨNH VỰC NGÂN HÀNG

Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 2805/TB-TTKQH ngày 21/9/2023, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin báo cáo tình hình triển khai thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng như sau:

A. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, NHNN đã chủ động nghiên cứu, rà soát, phân công các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, có hiệu quả những nội dung có liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng.

Ngày 09/8/2022, NHNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội để chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Quốc hội.

Qua rà soát, các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 cũng bao hàm các nội dung tại Nghị quyết số 134/2020/QH14. Đến nay, về cơ bản NHNN đang triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội. Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, niềm tin vào VND được củng cố; tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng. Công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu được triển khai theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Các giải pháp đồng bộ nêu trên đã góp phần tích cực giúp nền kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, là điều kiện để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia1.

B. VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

I. Nhóm nhiệm vụ liên quan đến: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu để áp dụng khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành. Rà soát, sửa đổi các quy định về việc các TCTD chào bán, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế rủi ro. Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển các tổ chức tài chính vi mô an toàn, hiệu quả. (Nghị quyết số 62/2022/QH14)

1. Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, NHNN tiến hành tổng kết, lập đề nghị xây dựng Luật, xây dựng và trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ngày 15/11/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền. Ngày 22/11/2022, Chủ tịch nước đã ra Quyết định số 12/2022/L-CTN về việc công bố Luật Phòng, chống rửa tiền (có hiệu lực từ ngày 01/3/2023), NHNN đã trình Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 Quy định mức giá trị lớn phải báo cáo. Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Nghiên cứu, rà soát Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Bảo hiểm tiền gửi.

NHNN đã ban hành Kế hoạch nghiên cứu, rà soát Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Kế hoạch nghiên cứu, rà soát, lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm tiền gửi2. Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát các quy định của 02 Luật, đánh giá các vướng mắc, bất cập, khó khăn trong thực tiễn triển khai và kinh nghiệm quốc tế, ngày 30/9/2022, NHNN đã có Báo cáo số 324/BC-NHNN gửi Chính phủ kết quả nghiên cứu, rà soát đối với hai Luật này. Trong đó, NHNN đề xuất cho phép kéo dài thời gian nghiên cứu, rà soát sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 2 Luật này và thực hiện lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Chính phủ trình Quốc hội vào Chương trình xây dựng Luật năm 2024 (trong trường hợp cần thiết ban hành).

3. Luật Các TCTD (sửa đổi).

Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, NHNN đã ban hành Quyết định số 767/QĐ-NHNN ngày 19/4/2022 về Kế hoạch nghiên cứu, rà soát, tổng kết, hoàn thiện Luật các TCTD 2010 và Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD năm 2010. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng, hoàn thiện Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật các TCTD.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, NHNN đã tiến hành xây dựng dự án Luật các TCTD (sửa đổi), thực hiện việc xin ý kiến các bộ, ngành, các TCTD, các tổ chức có liên quan, đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của NHNN, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật các TCTD (sửa đổi)3; Chính phủ trình Quốc hội4 cho ý kiến. Ngày 05/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã trình bày Tờ trình về dự án Luật các TCTD (sửa đổi) và ngày 10/6/2023 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật các TCTD (sửa đổi). Hiện NHNN đang phối hợp cùng các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

4. Về nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi bổ sung Luật các TCTD.

Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, NHNN đã đề xuất các nội dung luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Luật các TCTD (sửa đổi). Chính phủ đã trình Quốc hội luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo hướng kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết 42 đã được triển khai hiệu quả trên thực tiễn như: (i) Kế thừa các quy định: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; (ii) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về: nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; thứ tự ưu tiên thanh toán; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính; chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

5. Về các Nghị định trình Chính phủ.

5.1. Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt: Trong năm 2022, NHNN đã phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định theo quy định5. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ6, NHNN đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện bộ hồ sơ Nghị định và trình Chính phủ ký ban hành7.

5.2. Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái8, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, trình báo cáo Chính phủ9 để triển khai các bước tiếp theo theo quy định về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định về Cơ chế thử nghiệm là Nghị định được xây dựng không dựa trên quy định tại cấp độ Luật, do đó, quy trình xây dựng Nghị định sẽ cần nhiều thời gian hơn, Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định trước khi ký thông qua. Bên cạnh đó, Nghị định là cách tiếp cận pháp lý mới nên nhiều vấn đề cần được rà soát kỹ lưỡng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cần được nghiên cứu, thiết kế để đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, đảm bảo ổn định tài chính. Đồng thời, trong quá trình phối hợp với các Bộ, cơ quan còn có ý kiến chưa thống nhất dẫn đến kéo dài thời gian trình Chính phủ.

6. Rà soát, sửa đổi các quy định về việc các TCTD chào bán, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế rủi ro.

- Liên quan đến hoạt động mua, bán TPDN của TCTD: Ngày 23/4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN (có hiệu lực từ ngày 24/4/2023). Việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Liên quan đến hoạt động đại lý phát hành TPDN của TCTD: Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư 28/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Theo đó, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý phát hành TPDN tại thị trường trong nước theo quy định của Luật Chứng khoán nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và để đảm bảo chặt chẽ, phản ánh đúng bản chất của hoạt động đại lý là hoạt động cung ứng dịch vụ để hưởng phí; bổ sung quy định trường hợp NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng với nhà đầu tư (trong đó nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu) và phải tuân thủ quy định của NHNN về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện các cam kết này.

7. Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển các tổ chức tài chính vi mô an toàn, hiệu quả.

[...]
3