Loading


Báo cáo số 64/BC-CP về việc kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về “tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” do Chính phủ ban hành

Số hiệu 64/BC-CP
Ngày ban hành 05/05/2008
Ngày có hiệu lực 05/05/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 64/BC-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2008

 

BÁO CÁO QUỐC HỘI

KẾT QUẢ 5 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 16/2003/QH11 VỀ “TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN”

Ngày 17/6/2003 Quốc hội khóa XI ban hành Nghị quyết số16/2003/QH11 về “Thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương”. Đến cuối năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” (gọi tắt là “Đề án sau cai”) cho 7 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Hà Nội và Bình Dương. Do thời điểm trình Đề án của các địa phương khác nhau nên thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các Đề án sau cai của các địa phương không đồng nhất. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có thời gian thực hiện Đề án gần được 5 năm, Bà Rịa – Vũng Tàu xấp xỉ 3 năm, các địa phương còn lại chỉ từ 1 năm đến 2 năm.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội kết quả cụ thể như sau:

I. CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ

1. Công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương tham gia triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19/7/2004 quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý. Tiếp đó, Chính phủ đã trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng một số chế độ ưu đãi về Thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 (kiến nghị này đang được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2008). Đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2007/NĐ-CP ngày 3/7/2007 quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại cơ sở quản lý người cai nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma tuý. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hai Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

2. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra trong quá trình triển khai Nghị quyết số 16/2003/QH11 tại các địa phương có Đề án sau cai; chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan thành lập 2 Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết tại 7 địa phương có Đề án sau cai và giúp đỡ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

Hàng năm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan đã cử cán bộ tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình triển khai Nghị quyết 16/2003/QH11 tại một số địa phương;đồng thời phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 2 Hội nghị sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án để rút kinh nghiệm cho Thành phố và các địa phương khác. Ngày 11/4/2008 vừa qua Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 để đánh giá đầy đủ những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc và bài học kinh nghiệm làm cơ sở báo cáo Quốc hội.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2003/QH11 CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÓ ĐỀ ÁN SAU CAI NGHIỆN

1. Tại Thành phố Hồ Chí Minh

Là địa phương đầu tiên kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho thí điểm Đề án sau cai, Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sau cai theo Quyết định số 205/2003/QĐ-TTg ngày 02/10/2003. Do có sự chủ động và tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nên sau gần 5 năm thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả cơ bản sau đây:

a) Về đầu tư xây dựng cơ bản vật chất:

Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình 3 giảm (giảm tội phạm, giảm ma tuý và giảm mại dâm), để có điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật triển khai Đề án sau cai nghiện, Thành phố đã nâng cấp, mở rộng và xây mới 20 Trung tâm, Trường cai nghiện (sau đây gọi tắt là các Trung tâm) với tổng công suất từ 28.000 – 30.000 người. Các Trung tâm được xây dựng khang trang, đồng bộ; các công trình phụ trợ bảo đảm điều kiện thuận tiện trong các hoạt động cai nghiện và quản lý, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất cả cho học viên cai nghiện và người sau cai nghiện. Đồng thời Thành phố đầu tư xây dựng mới Cụm Công nghiệp và Khu Dân cư Nhị Xuân với tổng diện tích 54,1 ha, với chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư giải quyết việc làm cho học viên đang cai nghiện, người sau cai và người tái hoà nhập cộng đồng.

Tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách thành phố để triển khai Đề án đến nay là 1302,5 tỷ đồng gồm: chi thường xuyên 762 tỷ đồng cho các hoạt động quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc y tế, tái hòa nhập cộng đồng; Chi đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai trên 460 tỷ đồng; chi đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường học, trạm xá... cho các địa phương nơi các Trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh trú đóng là 80,5 tỷ đồng.

Tổng giá trị đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân tại các Trung tâm, cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện với số vốn đăng ký ban đầu là 832,6 tỷ đồng. Số vốn thực tế đã đầu tư là 233,1 tỷ đồng, trong đó Khu Công nghiệp Nhị Xuân là 193 tỷ đồng.

b) Thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của đề án:

- Tính từ đầu năm 2003 tới ngày 31/03/2008 các Trung tâm của Thành phố đã cai nghiện cho 36.244 lượt người, trong đó có 30.681 người đã được chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai nghiện.

Khu quản lý người sau cai nghiện được trang bị đầy đủ tiện nghi, có điện thoại công cộng, tivi, đầu máy, hệ thống loa phát thanh, sách báo, có nhà câu lạc bộ, sân thể thao và các siêu thị nhỏ ...với môi trường xanh, sạch, đẹp. Người sau cai nghiện được sinh hoạt trong môi trường văn hóa, thân thiện và đoàn kết; xây dựng lối sống có nề nếp, lành mạnh. Thành phố đã cố gắng tạo môi trường học tập, rèn luyện, lao động, sản xuất cho người sau cai nhằm ”cách ly môi trường ma tuý mà vẫn đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người sau cai nghiện. Vào những ngày Lễ, Tết, thành phố tổ chức các Đoàn văn nghệ chuyên nghiệp đến biễu diễn phục vụ nhằm động viên cán bộ, nhân viên an tâm công tác, học viên và người sau cai nghiện học tập, lao động tiến bộ.

Công tác giáo dục nhân cách trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai đã được thành phố quan tâm chỉ đạo tích cực. Thành phố đã tổ chức biên soạn bộ giáo trình gồm 76 bài, trong đó có 40 bài giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho học viên, 36 bài dành cho cán bộ quản lý, giáo dục viên để bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm. Nhờ có bộ giáo trình này mà các học viên đã được giáo dục nhân cách thường xuyên, có hệ thống, dễ tiếp thu, mang lại kết quả cao.

Đời sống vật chất của học viên được cải thiện đáng kể, ngoài kinh phí do ngân sách cấp 180.000 đồng/người/tháng, người sau cai đóng góp thêm 50.000-75.000 đồng/người/tháng từ lao động sản xuất, cộng thêm nguồn rau xanh và các loại thực phẩm tự túc sản xuất nên chất lượng bữa ăn hàng ngày được cải thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe ở các Trung tâm được quan tâm, mỗi năm 2 lần khám sức khoẻ cho học viên và người sau cai; Các Trung tâm đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm nên những năm qua chưa cơ sở nào bị xảy ra dịch bệnh hoặc ngộ độc thức ăn.

- Dạy văn hóa: trong gần 5 năm, các Trung tâm đã tổ chức cho 42.713 lượt người theo học các lớp văn hóa. Đến nay, cơ bản hoàn thành xóa mù chữ, tiến tới hoàn thành phổ cập tiểu học, mở rộng trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông đối với người sau cai nghiện. Đặc biệt, các Trung tâm đã tổ chức các lớp đại học từ xa ngành Xã hội học và Quản trị kinh doanh cho cán bộ, nhân viên và người sau cai. Niên khóa 2007-2008 có 589 sinh viên, trong đó có 111 người sau cai nghiện theo học đại học.

c) Dạy nghề: trên cơ sở phân loại trình độ học vấn, sức khỏe người sau cai nghiện, các Trung tâm tổ chức nhiều lớp học nghề thông dụng như may công nghiệp, điện cơ, điện gia dụng, kỹ thuật viên tin học, sửa xe, mộc, gò hàn, thủ công mỹ nghệ… đến nay đã dạy nghề cho 31.403 lượt người, trong đó dạy nghề dài hạn tương đương bậc 3/7 cho 1.700 người.

- Về tạo việc làm cho người sau cai nghiện: tính đến cuối năm 2007, Thành phố đã tạo việc làm cho 24.181 học viên và người sau cai với 4 phương thức:

+ Làm việc và định cư tại cơ sở cai nghiện: Các Trung tâm đã tổ chức trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc; tổ chức sản xuất, gia công chế biến thực phẩm với tổng giá trị sản phẩm khoảng 310 tỷ đồng. Nhờ đó, đã tự túc được 70 - 80% rau xanh và 50 - 60% nhu cầu thực phẩm hàng ngày, vừa góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, đồng thời giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho học viên và người sau cai. Cùng với việc tổ chức sản xuất để cải thiện đời sống, các Trung tâm đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, các HTX để tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho học viên.

+ Tại Cụm Công nghiệp Nhị Xuân đã có 22 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê 30,5 ha đất (chiếm 90,2% tổng diện tích đất khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 570 tỷ đồng; có 11 doanh nghiệp đi vào hoạt động sử dụng 1.035 lao động, trong đó 470 là người sau cai và người tái hòa nhập cộng đồng.

+ Giải quyết việc làm trong các Tổng Đội lao động tình nguyện tại các công trình xây dựng cơ bản phục vụ dân sinh: do các đơn vị không đáp ứng yêu cầu của thủ tục đấu thầu và điều kiện sức khỏe của người sau cai không đảm bảo lao động nặng nhọc nên mô hình này không triển khai đại trà được chỉ có Tổng Đội 1, Lực lượng Thanh niên xung phong là thực hiện được.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ