Loading


Báo cáo 8541/BC-VPCP năm 2023 về tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) của Văn phòng Chính phủ

Số hiệu 8541/BC-VPCP
Ngày ban hành 01/11/2023
Ngày có hiệu lực 01/11/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8541/BC-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2023

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ NĂM 2015 (ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2019) CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi: Bộ Nội vụ

Theo đề nghị của Bộ Nội vụ tại văn bản số 5453/BNV-TCBC ngày 23 tháng 9 năm 2023, Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật TCCP) với những nội dung chính như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN LUẬT TCCP NĂM 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2019)

1. Thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật TCCP

a) Thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật TCCP, được cụ thể hóa tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và Nghị định số 79/2022/NĐ-CP.

Từ năm 2016 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: 1.093 Nghị định; 1.424 Nghị quyết; 5.005 Công văn của Chính phủ; 335 Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng; 16.577 Quyết định cá biệt của Thủ tướng; 14.807 công văn của Thủ tướng Chính phủ và hàng chục nghìn công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ đã tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng đầy đủ, kịp thời, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, hiệu quả và thuận lợi để hiện thực hóa phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo. Chủ động tham mưu tổng hợp cho Chính phủ tập trung chỉ đạo: rà soát những mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ phát sinh trong triển khai thi hành một số luật để sớm xử lý dứt điểm; ban hành kịp thời các chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, thực thi pháp luật, nhằm khơi thông các điểm nghẽn về thể chế; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; chỉ đạo thực hiện các giải pháp mới nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

Nâng cao vai trò tham mưu tổng hợp, thẩm tra độc lập, chú trọng đánh giá tác động và bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của các bộ, cơ quan, chủ động lấy ý kiến, có ý kiến thẩm tra độc lập và đề xuất phù hợp, xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều công việc gấp, quan trọng, nhạy cảm, phức tạp; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp ứng phó với tình huống, diễn biến phát sinh, đặc biệt là đề xuất các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, bảo đảm an sinh, xã hội và các giải pháp phục hồi nền kinh tế... Đóng góp của Văn phòng Chính phủ góp phần tạo nên thành công trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp Việt Nam trở thành điểm sáng chống dịch (nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp) điểm sáng về phát triển kinh tế (kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đặc biệt là đạt mức tăng trưởng dương...).

b) Thực hiện chức năng điều phối

Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt chức năng điều phối, tạo đồng thuận trong xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Tất cả các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ đều tổng hợp, báo cáo, đề xuất hướng xử lý, có trao đổi để đi đến thống nhất chung. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ đều được tổng hợp, báo cáo tại các phiên họp Chính phủ. Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức các cuộc họp điều phối, xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hình thức họp linh hoạt, nội dung trao đổi thẳng thắn, rõ ràng để cùng tháo gỡ, đưa ra phương án, giải pháp tối ưu nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động điều phối của Văn phòng Chính phủ đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, thẩm tra, đồng thời góp phần giảm bớt khối lượng công việc trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

c) Thực hiện chức năng giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Phối hợp chặt chẽ với các Văn phòng Trung ương, cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, quản lý chương trình công tác tháng, quý, năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng Quy chế, trên cơ sở chủ động, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, những định hướng trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tiễn; triển khai theo dõi tình hình thực hiện các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ đến kết quả cuối cùng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì chuẩn bị hồ sơ trình, chủ động kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và có ý kiến thẩm tra độc lập, tham mưu xử lý. Bên cạnh xây dựng, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Chương trình công tác, Văn phòng Chính phủ còn tổ chức, phục vụ các cuộc họp, hội nghị bảo đảm thực hiện đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, Quy chế tổ chức phục vụ các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngày càng chủ động, chu đáo cả về nội dung, hình thức, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, chính xác, kịp thời.

Công tác hành chính được thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ và các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, phục vụ chính xác, kịp thời, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ tiếp tục đổi mới hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, khẳng định vai trò là kênh thông tin chính thống của Chính phủ, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế góp phần tạo đồng thuận xã hội, sức lan tỏa cao về quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước; chủ động phát hiện các vấn đề nổi cộm, bức xúc do báo chí phản ánh để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ làm rõ và xử lý; tổ chức các cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chuyên đề... Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quản lý và duy trì hệ thống thông tin hành chính điện tử của Chính phủ.

d) Về công tác hậu cần, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức phục vụ các phiên họp, hội nghị của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ chuyên nghiệp, hiệu quả; công tác lễ tân phục vụ hoạt động của lãnh đạo Chính phủ chu đáo, trọng thị, tiết kiệm được lãnh đạo các cấp ghi nhận; bảo đảm an toàn tuyệt đối, phục vụ tận tình chu đáo về phương tiện đi lại của lãnh đạo Chính phủ; tổ chức vận hành Trung tâm dữ liệu và Hệ thống hạ tầng mạng, giám sát, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng bảo đảm hệ thống luôn thông suốt, không để xảy ra sự cố, cảnh báo kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin tại Văn phòng Chính phủ; các đơn vị sự nghiệp chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, chu đáo, trọng thị công tác hậu cần cho hoạt động chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

2. Việc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ

Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 39 và Điều 40 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019)

a) Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.

- Nghị định tiếp tục xác định vị trí của VPCP là cơ quan ngang Bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ chức năng điều phối (điều hòa, phối hợp) hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn: bổ sung nhiệm vụ tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo công tác, báo cáo giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nhân dân theo quy định tại Luật TCCP 2015; cập nhật, cụ thể hóa nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan đã được quy định tại Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung mới các quy định về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản và xử lý đối với các văn bản trái pháp luật theo thẩm quyền quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ được giao cho VPCP tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ gồm 21 Vụ, Cục, đơn vị, trong đó có 16 Vụ, 03 Cục và 01 đơn vị hành chính do Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, 01 đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức 11 phòng thuộc 04 Vụ và 19 phòng thuộc 03 Cục. Đặc biệt, trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ không tổ chức các đơn vị: Văn phòng, Thanh tra, Vụ Thi đua - Khen thưởng như các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác.

- Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ. Tại Quyết định này, Văn phòng Chính phủ có 05 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Hội trường Thống Nhất; Nhà khách La Thành; Trung tâm Hội nghị Quốc tế; Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương.

b) Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.

- Về vị trí, chức năng: Tiếp tục kế thừa vị trí, chức năng đã được giao theo Nghị định hiện hành và các nhiệm kỳ trước. Bỏ chức năng “xây dựng Chính phủ điện tử” do đã chuyển nhiệm vụ thường trực xây dựng Chính phủ điện tử sang Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn: Nghị định cơ bản giữ 15 nhóm nhiệm vụ hiện hành. Cập nhật 01 nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý của VPCP theo chương trình tổng thể cải cách hành chính. Bổ sung nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ “kiểm tra” gắn với theo dõi, đôn đốc tình hình, kết quả thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm sự đồng bộ với Quy chế làm việc của Chính phủ.

- Về cơ cấu tổ chức: VPCP có 20 đơn vị hành chính. Trong đó có 16 Vụ, 03 Cục, 01 tổ chức hành chính do Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; tiếp tục bố trí 07 Phòng trong 02 Vụ và 19 phòng thuộc 03 Cục có đủ tiêu chí, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị định 101/2020/NĐ-CP; nghiêm túc thực hiện giảm 01 đơn vị (sáp nhập Trung tâm Tin học vào Cục Kiểm soát thủ tục hành chính); bỏ tất cả 06 Phòng thuộc 02 Vụ.

[...]
2