Loading


Chỉ thị 03/CT-BTTTT về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 03/CT-BTTTT
Ngày ban hành 25/05/2023
Ngày có hiệu lực 25/05/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-BTTTT

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2023

Trong năm 2022, thiên tai của Việt Nam xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4, 5, 6). Tại khu vực miền Trung đã liên tiếp có 03 cơn bão đổ bộ, trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất, cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Quảng Nam, Đà Nẵng đã gây mưa rất lớn tại các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Cùng với đó, mưa lớn sau bão số 5 đã gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình - Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, có nơi tới 1,5-2m tại Đà Nẵng. Triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn (cao từ 1,5-2m) tại khu vực biển miền Tây Nam bộ đã gây tràn, sạt lở đê biển tỉnh Cà Mau; nhiều trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ...

Trong năm 2023, dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển đông, trong đó có khoảng 4-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Dự báo rằng năm nay nắng nóng sẽ ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Đế chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong năm 2023, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị toàn ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm sau:

1. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai phương án phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2023 sát với tình hình thực tế. Đặc biệt chú trọng đến những trường hợp thiên tai xảy ra bất thường với cường độ mạnh ngoài dự báo hay siêu bão, lũ lớn, ngập sâu kéo dài nhiều ngày... Vận dụng nguyên tắc “4 tại chỗ” để dự trù lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện.

c) Kiện toàn nhân sự Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN của đơn vị, doanh nghiệp.

d) Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), ưu tiên sử dụng dịch vụ hội nghị truyền hình, các ứng dụng họp trực tuyến “Make in Vietnam” để tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến, hội nghị kiểm tra liên quan đến công tác PCTT&TKCN.

e) Tổ chức nghiêm chế độ trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN, trực điều hành và trực ứng cứu thông tin trong mùa mưa bão năm 2023. Theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tiếp nhận kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

f) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng triển khai thực hiện pháp luật về PCTT, TKCN. Nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai, biện pháp phòng tránh; phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân.

g) Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số của đơn vị mình.

h) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý và sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đúng quy định của pháp luật. Tổng hợp, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TTTT trước ngày 31 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Trưởng ban.

i) Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông

- Triển khai, diễn tập ứng phó với các loại hình thiên tai khác nhau.

- Triển khai phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão, lũ lớn phù hợp với tình hình thực tiễn năm 2023.

- Chỉ đạo các đơn vị thành viên, chi nhánh tại các tỉnh/thành phố đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành PCTT&TKCN của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp tại địa phương; tăng cường trang bị hệ thống thông tin liên lạc tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành PCTT.

- Nâng tầng, kiên cố hóa nhà trạm, phòng máy, cột ăng ten; Ngầm hóa mạng ngoại vi cáp viễn thông nhằm tăng cường độ vững chắc mạng lưới, đồng thời phải đảm bảo đồng bộ với kế hoạch ngầm hóa mạng ngoại vi cáp viễn thông của địa phương và đồng bộ với kế hoạch ngầm hóa của các ngành khác như điện, nước, giao thông, xây dựng ... Tại các khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai, ưu tiên đầu tư nâng cấp trạm thu phát sóng vô tuyến kiên cố chịu được rủi ro thiên tai cấp IV. Báo cáo danh sách các trạm thu phát sóng di động kiên cố chịu được rủi ro thiên tai cấp IV về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TTTT trước ngày 31 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Trưởng ban (đối với các doanh nghiệp viễn thông).

- Tăng cường năng lực mạng thông tin di động phục vụ công tác PCTT&TKCN; kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng trang thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện và các thiết bị dự phòng sẵn sàng phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo điều hành PCTT&TKCN (đối với các doanh nghiệp viễn thông di động).

- Xây dựng phương án chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng tại những vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai

- Xây dựng phương án sẵn sàng chuyển vùng dịch vụ di động tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trước mỗi cơn bão lớn, lập danh sách các thuê bao trong khu vực có thể bị ảnh hưởng để sẵn sàng tổ chức nhắn tin khi có yêu cầu (đối với các doanh nghiệp viễn thông di động).

- Trong quá trình tổ chức ứng cứu, khôi phục thông tin do thiên tai gây ra, các doanh nghiệp cần đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của con người, giữ gìn tài sản, trang thiết bị của doanh nghiệp và của người dân.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Cục Viễn thông - Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ

- Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo kịp thời công tác PCTT&TKCN, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành PCTT khi có thiên tai xảy ra.

- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ kiện toàn nhân sự Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cập nhật kế hoạch PCTT cấp Bộ năm 2023, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

- Xây dựng và thực hiện Đề án thông tin, truyền thông về PCTT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 Ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025.

[...]
4