Loading


Chỉ thị 04/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai năm 2019 tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 04/CT-UBND
Ngày ban hành 23/04/2019
Ngày có hiệu lực 23/04/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Phóng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 23 tháng 4 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐÊ ĐIỀU, CHUẨN BỊ SẴN SÀNG HỘ ĐÊ, ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2019 TỈNH HƯNG YÊN

Trong những năm vừa qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan và trái quy luật; bão, lũ, các đợt mưa lớn kéo dài, lốc xoáy, giông đã gây thiệt hại đến đời sống, sản xuất của nhân dân và công trình đê điều. Do ảnh hưởng của mưa, lũ trên hệ thống đê điều tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố uy hiếp đến an toàn đê như nứt mặt đê ở xã Dạ Trạch, Liên Khê, huyện Khoái Châu; sạt lở kè bảo vệ đê ở thành phố Hưng Yên, huyện Văn Giang và huyện Khoái Châu; hiện tượng nước thấm qua các cống xả trạm bơm Liên Nghĩa, Nghi Xuyên... Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ xảy ra trong mùa mưa bão năm 2019 trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020; thực hiện Chỉ thị số 1848/CT-BNN-PCTT ngày 15/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2019; Chỉ thị số 1948/CT-BNN-TCTL ngày 20/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2019.

Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai năm 2019, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện một số việc trọng tâm sau:

1. Công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, khắc phục sự cố đê điều và các công trình đang thi công liên quan đến đê điều

- Chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm đối với các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố khi có lũ, bão. Đặc biệt quan tâm xử lý sự cố nứt đê, sạt lở kè, các cống dưới đê bị sự cố trong thời gian vừa qua như: cống xả trạm bơm Liên Nghĩa, huyện Văn Giang; trạm bơm Nghi Xuyên, huyện Khoái Châu.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ việc nâng cấp đê, duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp hệ thống đê điều đảm bảo kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2019.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến đê điều và xây dựng các phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão.

2. Đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong lũ, bão

- Đối với cống qua đê đã xảy ra sự cố do lũ những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được làm việc trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang xây dựng cần phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các cống dưới đê để phát hiện các cống yếu, các cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt cống tạm thời hoặc hoành triệt vĩnh viễn đối với các cống không đảm bảo an toàn. Đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận, giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức, cá nhân để chủ động chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện.

- Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm ngặt quy trình vận hành.

- Đối với các cống do Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi tỉnh quản lý, đơn vị quản lý phải phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các sự cố.

3. Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, bão

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đê tiến hành tổng kiểm tra đánh giá chất lượng đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều, để xây dựng phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ"; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt.

- UBND các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện có bão, lũ lớn, lũ đặc biệt lớn.

- Căn cứ phương án hộ đê năm 2019, chỉ đạo chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến; ngoài số vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư, thiết bị trong nhân dân trong trường hợp có sự cố xảy ra (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn).

- Tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng quân đội được bố trí trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đê quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các xã, phường ven đê tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức dọn dẹp, phát quang mái đê, chân đê để phục vụ công tác tuần tra canh gác đê và xử lý sự cố giờ đầu trong mùa mưa lũ.

4. Công tác quản lý đê điều

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có đê tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cho phép của chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều. Xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ xong trước ngày 15/5/2019.

5. Công tác quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh

- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

- Các sở, ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh; các địa phương và cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động thăm dò, khai thác, nạo vét, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép, sai phép; kiến nghị thu hồi việc vi phạm giấy phép đã cấp; đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, sạt lở bờ sông và không đảm bảo điều kiện an toàn.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; xử lý nghiêm, kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm như khai thác cát, bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng ven sông sử dụng đất, cho thuê đất trái thẩm quyền.

- Công an tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm tra cụ thể và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái phép trên tuyến sông Hồng, sông Luộc theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái phép, ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

- Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát hệ thống bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng ven sông; đình chỉ, giải tỏa hoạt động của các bến bãi trái phép; sắp xếp, quy hoạch hệ thống bến bãi phù hợp, không để ảnh hưởng đến an toàn đê điều, giảm ô nhiễm môi trường.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ