Loading


Chỉ thị 05/2006/CT-BTC về việc bình ổn giá và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 05/2006/CT-BTC
Ngày ban hành 29/12/2006
Ngày có hiệu lực 29/12/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2006/CT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2006 

 

CHỈ THỊ 

SỐ 05/2006/CT-BTC CỦA BỘ TÀI CHÍNH VỀ VIỆC BÌNH ỔN GIÁ VÀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ĐINH HỢI 2007

Năm 2006 là năm có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình hình giá cả, đặc biệt là vào dịp cuối năm như: thiên tai (bão lũ) gây thiệt hại nặng nề ở nhiều vùng trong cả nước; dịch cúm gia cầm đã tái phát ở một số nơi; dịch lở mồm long móng ở gia súc chưa được dập tắt; bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá bùng phát và diễn biến khó lường gây thiệt hại lớn đến sản lượng lúa tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những biến động về giá cả trên thị trường thế giới của các loại nguyên, nhiên vật liệu quan trọng mà nước ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn, tạo áp lực tăng giá trong nước, tác động xấu đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh và khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ trong những tháng đầu năm 2007. Dự báo giá cả thị trường thế giới của những vật tư chủ yếu phải nhập khẩu với khối lượng lớn có khả năng vẫn giữ  ở mức cao; nhà nước chủ động điều hành, điều chỉnh giá cả trong nước, theo cơ chế thị trường  nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, sức mua có khả năng thanh toán của nhân dân trong dịp Tết tăng, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu và một số dịch vụ cơ bản có thể sẽ tăng mạnh, nhất là ở các vùng vừa bị bão, do đó có thể dẫn đến giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng.

Để bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá cả hàng hóa, dịch vụ; đồng thời tiếp tục thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị và tổ chức thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các công việc sau đây:

I. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÌNH ỔN GIÁ:

1. Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Xây dựng phương án điều hành giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, quan trọng, trong dịp trước, trong và sau Tết trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đề xuất kịp thời các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền địa phương, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá tại địa phương.

- Tổ chức triển khai ngay việc dự báo về nhu cầu tiêu dùng, kết hợp với nắm tình hình chuẩn bị lực lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán (lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo, văn hóa phẩm và phương tiên đi lại,…) của tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để có biện pháp đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân và tổ chức lưu thông thông suốt; có kế hoạch dự trữ vật tư, nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để đảm bảo nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra mất cân đối cung cầu gây đột biến giá cả vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông khó khăn, vùng vừa qua bị ảnh hưởng của các cơn bão, lũ, dịch bệnh và ở các khu công nghiệp, thành phố lớn.

- Phối hợp hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg ngày 4/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của các tổ chức, cơ sở kinh tế; kịp thời có biện pháp hoặc tham mưu đề xuất, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc lợi dụng tăng giá điện để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không có đủ căn cứ, gây ảnh hưởng tăng giá cả thị trường trên địa bàn.

- Phối hợp với các ngành có liên quan (Quản lý thị trường, thuế, Hải quan, Công an, nông nghiệp, xây dựng…) kiểm soát thị trường, phát hiện kịp thời các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không đúng pháp luật về giá, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng chất lượng kém, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch … xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

-  Kiểm tra việc chấp hành quy định của nhà nước về quản lý giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá của cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo giá niêm yết, kiểm tra việc thu các loại phí và lệ phí không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá, phí và lệ phí tùy tiện trái pháp luật trong dịp Tết làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo đúng Nghị định 169/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, Nghị định 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.

- Phối hợp Sở Giao thông Công chính và cơ quan quản lý thị trường kiểm tra tình hình thực hiện giá cước vận chuyển hành khách, giá trông giữ  xe đạp, xe máy, ô tô,… không để tình trạng lợi dụng dịp Tết để nâng giá tùy tiện.

2. Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp tham gia kiểm tra, kiểm soát thị trường theo đề nghị của Sở Tài chính để kịp thời xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý và đề xuất với cơ quan cấp trên xử lý các vi phạm vượt thẩm quyền.

3. Giám đốc Kho bạc Nhà nước tại địa phương có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát chi, nhất là chi tiêu cho Hội nghị, tổng kết, khen thưởng, chi tiền lương, tiền thưởng, mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản,…loại trừ những khoản chi không hợp lý, không hợp lệ; đồng thời chủ động phối hợp với Sở Tài chính triển khai các biện pháp chấn chỉnh việc chấp hành các quy định và các  biện pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng và chi tiêu ngân sách nhà nước trong dịp Tết Nguyên đán.

4. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng  và các lực lượng chức năng khác tăng cường lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra, kiểm soát  trong lãnh thổ hải quan và ngoài lãnh thổ hải quan ở khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường hàng không. Thu thập thông tin, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, để góp phần giữ bình ổn giá ở thị trường trong nước, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo an toàn cho nhân dân.

II. ĐỐI VỚI NHIỆM VỤ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH

Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Tài chính chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị, xã hội trong đơn vị thực hiện và chỉ đạo các đơn vị cấp dưới trực thuộc, thực hiện tốt  các yêu cầu sau:

1. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/2006/CT-TTg  ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà biếu và sử dụng rượu ngoại để tiếp khách sai quy định. Chỉ đạo các đơn vị cấp dưới trực thuộc thực hiện triệt để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức Hội nghị, tổng kết cuối năm, gặp mặt đón mừng năm mới,…chỉ đạo cán bộ, công chức không mang quà tết đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo; dành thời gian nghỉ tết cho gia đình, thăm hỏi họ hàng, người thân.

2. Nghiêm cấm sử dụng xe ô tô công, các tài sản, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị để phục vụ nhu cầu riêng cho cá nhân, gia đình, người thân trong dịp trước, trong và sau Tết.

3. Nghiêm cấm các đơn vị trong ngành nhân dịp lễ, Tết để tổ chức các đoàn đi tham quan, du lịch, lễ hội, tổ chức liên hoan ăn uống lãng phí; sử dụng kinh phí, tài sản của đơn vị để mua quà tặng, thưởng, biếu, cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức không đúng chế độ quy định của nhà nước.

4. Những đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính đươc trích thưởng theo chế độ quy định phải thực hiện đúng quy định của nhà nước, của Bộ và của các tổ chức cấp trên thuộc Bộ về chi khen thưởng cuối năm, thưởng phối hợp cho tập thể, cá nhân có công giúp đỡ đơn vị trong công tác. Gắn khen thưởng với kết quả công việc đã đạt được để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức cố gắng, phấn đấu trong công tác. Phải công khai danh sách thưởng cho toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị biết để kiểm tra, giám sát. Nghiêm cấm các đơn vị cấp dưới sử dụng tiền thưởng để thưởng cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Sử dụng quỹ phúc lợi ngành để chi thăm hỏi, tặng quà gia đình có công với cách mạng, thương binh, thân nhân liệt sỹ, các cán bộ hưu trí của ngành theo đúng chủ trương của nhà nước, các gia đình cán bộ công chức, viên chức của cơ quan đơn vị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do chịu ảnh hưởng của bão lũ vừa qua, bị thiệt hại nặng nề về tài sản để động viên các gia đình đón Tết Nguyên đán vui tươi…

5. Thực hiện tốt công tác dự toán, quyết toán và điều hành các nguồn kinh phí được giao, đảm bảo quản lý sử dụng các nguồn kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, hiệu quả, tiết kiệm, báo đảm tuyệt đối an toàn về tài sản, trang thiết bị của nhà nước giao cho đơn vị quản lý.

6. Thủ trưởng các đơn vị trong ngành có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt và quán triệt tinh thần tổ chức Tết Nguyên đán với ý thức tiết kiệm, chống lãng phí đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị.

III.TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường trong dịp Tết.

1.1. Đối với Sở Tài chính tỉnh, thành phố:

 - Từ ngày 01/01/2007 trong các báo cáo thường kỳ (ngày, tuần, tháng) của Sở Tài chính tỉnh, thành phố gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) cần bổ sung nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa, thực hiện việc bình ổn giá tại địa phương, trước hết là các vật tư nguyên liệu quan trọng, các mặt hàng như: các loại thịt (lợn, gà, bò), cá, giá gạo (nếp, tẻ); thực phẩm chế biến; bánh mứt kẹo, hoa, quả và giá một số dịch vụ như: trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, cước vận chuyển hành khách...

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ