Loading


Chỉ thị 05/CT-BTC năm 2010 về bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011 do Bộ Tài ban hành

Số hiệu 05/CT-BTC
Ngày ban hành 22/12/2010
Ngày có hiệu lực 22/12/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 05/CT-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN TÂN MÃO VÀ QUÝ I NĂM 2011

Thực hiện Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11/10/2010, công văn số 2022/TTg-KTTH ngày 6/11/2010 và Chỉ thị số 2164/CT-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh); Cục trưởng Dự trữ Nhà nước khu vực căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011 như sau:

I. Về công tác bình ổn giá:

1. Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của địa phương thực hiện các công việc sau:

- Theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, kịp thời trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh: phương án điều hành giá hàng hoá, dịch vụ theo thẩm quyền; quyết định, công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Mão và Quý I năm 2011; tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá tại địa phương.

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ bình ổn giá; việc tuân thủ pháp luật về giá, thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; trong đó chú trọng kiểm tra thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá. Kiên quyết không chấp thuận việc tăng giá không hợp lý đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Giãn thời gian điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn định giá. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền.

- Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, ngừng các khoản chi, nội dung không thực sự cấp bách, không thiết thực (liên hoan, tổng kết, hội nghị, đoàn vào, đoàn ra, chi mua sắm tài sản...); rà soát, trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định, không thuộc thẩm quyền địa phương.

- Tham mưu, trình UBND tỉnh chủ động cân đối nguồn tài chính của địa phương để thực hiện các biện pháp bình ổn giá; bảo đảm đủ kinh phí chi cho nhiệm vụ an sinh xã hội. Trường hợp địa phương có khó khăn về nguồn vốn, kịp thời báo cáo Bộ Tài chính tăng tiến độ chuyển kinh phí bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế, phí; kết hợp với kiểm tra thực hiện pháp luật về giá; kiên quyết loại trừ những khoản chi không hợp lý, hợp lệ khi quyết toán thuế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an, Tài chính, Quản lý thị trường...) có biện pháp cụ thể và xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế.

3. Giám đốc Kho bạc Nhà nước tại địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm soát chi tiêu đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng quy định, không đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu.

4. Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo, tạo điều kiện thông quan nhanh chóng, đúng quy định cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán; tăng cường lực lượng, phương tiện và phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tăng cường nghiên cứu đánh giá mức độ rủi ro để thực hiện kiểm tra sau thông quan các mặt hàng thiết yếu nhập khẩu từ nước ngoài có giá tăng cao không hợp lý như: sữa, thuốc phòng và chữa bệnh cho người... góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước.

5. Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có trách nhiệm xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia nhằm đảm bảo an sinh xã hội và cho các tỉnh bị thiên tai, bão lũ... theo đúng chỉ đạo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước; có phương án cụ thể để bảo vệ an toàn kho tàng, hàng hoá... do đơn vị trực tiếp quản lý.

6. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính và tất cả các đơn vị trong hệ thống ngành tài chính từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiêm cấm việc sử dụng công quỹ, ngân sách nhà nước để mua quà biếu, quà tặng; tổ chức tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, đặc biệt là gia đình bị ảnh hưởng của bão lũ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

7. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, ngoài việc chỉ đạo, thực hiện, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, cần thực hiện tốt các công việc sau đây:

a) Vụ Ngân sách nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Đầu tư, Kho bạc Nhà nước điều hành, đảm bảo nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu chi của ngân sách trung ương và địa phương theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Kịp thời trình Bộ xử lý việc tăng tiến độ chuyển kinh phí bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để các địa phương có khó khăn đảm bảo nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán.

b) Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Cục Tài chính doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường thế giới và trong nước; tham mưu kịp thời các biện pháp điều hành giá và bình ổn giá; triển khai các đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác bình ổn giá tại địa phương.

c) Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính chủ trì, tham mưu Bộ công tác phát hành trái phiếu Chính phủ; đảm bảo phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, sách lãi suất; đảm bảo thực hiện kế hoạch huy động vốn, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

d) Thanh tra tài chính chủ trì thực hiện việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giá theo quy định đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá, kê khai giá với Bộ Tài chính; báo cáo Bộ kết quả kiểm tra và đồng gửi Cục Quản lý giá để phối hợp quản lý giá.

đ) Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các tỉnh, thành phố bị thiên tai, bão lũ, giáp hạt... đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả.

II. Thực hiện báo cáo về công tác giá

1. Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Từ ngày 01/01/2011, trong các báo cáo thường kỳ (ngày, tuần, tháng) của Sở Tài chính các tỉnh gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) theo quy định hiện hành phải bổ sung nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương, trước hết là đối với các vật tư, nguyên liệu quan trọng; các loại thịt (lợn, gà, bò); cá; rau; củ; quả; gạo (nếp, tẻ); thực phẩm chế biến; bánh mứt kẹo; đường, sữa; hoa quả; thuốc phòng và chữa bệnh cho người; giá cước vận chuyển hành khách; phí tham quan, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô...

- Trước ngày 15/02/2011, báo cáo tổng hợp tình hình giá cả thị trường (trước, trong và sau Tết) trên địa bàn, gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Riêng đối với Sở Tài chính các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Điện Biên, Hoà Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang): từ ngày 28/1/2011 đến ngày 12/2/2011, thực hiện chế độ báo cáo nhanh hàng ngày (qua Fax, thư điện tử) về giá thị trường các mặt hàng quy định tại Quyết định số 1712/QĐ-BTC ngày 25/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ báo cáo giá cả thị trường và danh mục hàng hoá dịch vụ phục vụ Tết.

2. Đại diện Văn phòng Bộ Tài chính tại TP.Hồ Chí Minh theo dõi và tổng hợp tình hình giá cả thị trường trước, trong và sau dịp Tết đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Đà Nẵng trở vào; gửi báo cáo về Cục Quản lý giá để tổng hợp.

3. Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực báo cáo thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này về cơ quan cấp trên theo hệ thống tương ứng (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục dự trữ Nhà nước) để các Tổng cục, Kho bạc Nhà nước tổng hợp báo cáo Bộ (gửi Cục quản lý giá kèm theo file về địa chỉ thư tín điện tử nguyenbichngoc@mof.gov.vn và csgia@mof.gov.vn) như sau:

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ