Loading


Chỉ thị 06/2015/CT-UBND triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 06/2015/CT-UBND
Ngày ban hành 06/03/2015
Ngày có hiệu lực 16/03/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2015/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 03 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Luật Phòng cháy và chữa cháy được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 10 năm 2001.

Từ khi Luật Phòng cháy và chữa cháy được ban hành và có hiệu lực, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả về công tác phòng cháy và chữa cháy, qua đó việc phòng cháy và chữa cháy ở nhiều nơi đã đi vào nề nếp; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng cháy và chữa cháy; năng lực phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Thành phố từng bước được nâng lên cả về lực lượng, phương tiện và các điều kiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, từng bước kéo giảm được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần vào việc xây dựng và phát triển của Thành phố.

Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình cháy, nổ trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chính của tình hình trên là do nhận thức của một số lãnh đạo đơn vị chưa đầy đủ và đúng đắn về tầm quan trọng của công tác phòng cháy và chữa cháy, do đó việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện công tác này chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy và chữa cháy chưa được thường xuyên và quan tâm đúng mức; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng ở nhiều nơi còn thiếu, yếu; việc đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngày 22 tháng 11 năm 2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, mới phát sinh trong thực tiễn như quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy; điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, khu dân cư và các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ; phương án chữa cháy; chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia chữa cháy...

Để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy sớm đi vào đời sống xã hội và kịp thời triển khai Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong công tác phòng cháy và chữa cháy nhằm góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:

1. Trách nhiệm chung

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Thủ trưởng các đơn vị Trung ương trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm:

a) Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành bằng các hình thức, biện pháp phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, thực hiện nghiêm các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nâng cao trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân theo quy định của pháp luật.

b) Làm tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Chỉ thị số 19/2012/CT-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường đầu tư kinh phí, trang bị các phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất hoạt động, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo sử dụng có hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; đảm bảo chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy.

c) Các Sở - ban, ngành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với cơ quan phòng cháy, chữa cháy trong việc triển khai thực hiện các quy định tại Chỉ thị số 22/2013/CT-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố để ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo an toàn về người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

d) Kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể và nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng cháy và chữa cháy. Hàng năm tiến hành rà soát, bổ sung, lập mới phương án chữa cháy và tổ chức thực tập phương án chữa cháy đã được phê duyệt, đặc biệt là phương án xử lý tình huống cháy lớn, phức tạp có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo cứu chữa các vụ cháy.

đ) Tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia phòng cháy, chữa cháy và bổ sung vào đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.

e) Hướng dẫn, vận động, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ; đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện nghiêm túc việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở theo quy định.

g) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng, chủ hộ gia đình trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ và các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thi hành.

2. Trách nhiệm cụ thể của các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan chuẩn bị tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thi hành; xây dựng quy chế phối hợp trong việc thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố rà soát lập danh sách, nghiên cứu các giải pháp, phương án di dời hoặc cải tạo các cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy và điều kiện thoát nạn (đặc biệt là chợ, nhà cao tầng, công trình công cộng tập trung đông người, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến hóa chất, hàng hóa dễ cháy, nổ) để tăng cường điều kiện thoát nạn và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm với các nước trong khu vực, đảm bảo tiến độ theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy; có kế hoạch, biện pháp quản lý các hoạt động tư vấn, kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn, kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đúng quy định pháp luật.

Tổ chức lực lượng, phương tiện, sẵn sàng chiến đấu, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng thành thạo trang thiết bị kỹ thuật chữa cháy hiện đại.

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy để đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ những quy định không còn phù hợp hoặc hết hiệu lực thi hành.

Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các nước tiên tiến trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên thế giới, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống để trao đổi và học tập kinh nghiệm về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất trang bị phương tiện, vật tư hiện đại để thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

b) Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố có trách nhiệm tăng cường quản lý về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đảm bảo có vành đai an toàn, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các khu dân cư và công trình lân cận.

c) Bộ Tư lệnh Thành phố

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ