Loading


Chỉ thị 08/2003/CT-TTg về nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/2003/CT-TTg
Ngày ban hành 04/04/2003
Ngày có hiệu lực 16/05/2003
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ SỨC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực vươn lên, góp phần quyết định vào quá trình chuyển đổi cơ cấu và duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế nước ta còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường và yêu cầu hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Tình hình này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là: thể chế kinh tế nhiều mặt chưa đồng bộ và thiếu nhất quán; tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà, không ít cơ quan và công chức nhà nước chưa làm tốt trách nhiệm, gây khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp; nhiều loại phí, cước phí còn cao; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp và tay nghề cho công nhân; chi phí sản xuất còn cao và chưa công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp, yếu kém trong liên doanh và liên kết với nhau, thiếu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và còn trông chờ, ỷ lại vào sự ưu đãi, bảo hộ của Nhà nước. Vai trò các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những yếu kém trên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, đời sống, chủ động hội nhập có hiệu quả với nền kinh tế quốc tế và khu vực, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, theo trách nhiệm được giao, thực hiện ngay các việc sau:

a) Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2003 và Chương trình công tác của Chính phủ năm 2003; đồng thời, tiến hành rà soát lại tất cả các văn bản, các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để điều chỉnh và bổ sung kịp thời những nội dung cần thiết nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

b) Trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh, tiến hành điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng lãnh thổ, địa phương, có cơ chế chính sách thích hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản xuất - kinh doanh; khuyến khích phát triển nhanh các doanh nghiệp làm chức năng phân phối đủ mạnh để gắn sản xuất với lưu thông, hỗ trợ đắc lực cho người sản xuất tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tạo điều kiện cho sự ra đời các doanh nghiệp mới, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

c) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ sản xuất - kinh doanh và hộ kinh doanh cá thể tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có thị trường, có thế mạnh về kỹ thuật, tay nghề, truyền thống, chất lượng cao và chi phí thấp; đổi mới công nghệ, áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và trong quản lý kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm và quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, bổ túc nâng cao tay nghề cho công nhân, tạo bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, chủ động trước lộ trình giảm thuế quan và chủ động tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

d) Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phê duyệt và triển khai thực hiện khẩn trương phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; tập trung chỉ đạo kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổng công ty, đẩy nhanh thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt.

Kiên quyết thực hiện sáp nhập, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài; đẩy mạnh việc xử lý nợ tồn đọng, lao động dôi dư nhằm lành mạnh hoá, minh bạch hóa tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện duy trì là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn, phải tập trung kiện toàn tổ chức quản lý, đẩy mạnh đầu tư phát triển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức quản lý để nâng cao tính tự chủ, năng động, có hiệu quả và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế thị trường.

đ) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Doanh nghiệp. Thực hiện nhất quán chủ trương bảo đảm quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; ban hành những quy định cụ thể về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là những ngành nghề nhạy cảm về văn hóa, xã hội, sức khỏe của nhân dân. Kiện toàn Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp để theo dõi việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; tổng hợp tình hình và định kỳ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cần thiết.

e) Có biện pháp cụ thể tạo điều kiện phát triển nhanh các dịch vụ như: tư vấn lập dự án, đánh giá dự án, mua bán nợ, cho thuê tài chính, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, thông tin, tiếp thị, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu ...

f) Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng một đầu mối, một tổ chức thực hiện đối với một loại công việc; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp hoặc vi phạm quy định của pháp luật trong thi hành công vụ.

g) Tổ chức thường kỳ các cuộc gặp doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp, công khai, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp. Tăng cường làm việc với các hiệp hội và cùng hiệp hội tổ chức những cuộc đối thoại thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

h) Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp hợp lý của các doanh nghiệp, các hiệp hội trong quá trình nghiên cứu, ban hành các quy định có liên quan đến môi trường kinh doanh, đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

2. Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

a) Trong quý III năm 2003, trình Chính phủ ban hành cơ chế sử dụng tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà trước đây doanh nghiệp đã được giao theo quy định của pháp luật về đất đai nay phải di dời theo quy hoạch để đầu tư xây dựng và đổi mới công nghệ theo dự án được duyệt.

b) Phối hợp với các Bộ, các địa phương và doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh việc xử lý nợ tồn đọng, lành mạnh hoá, minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp, sử dụng kịp thời và đúng mục đích Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư; hướng dẫn xử lý ngay những vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước, bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp thông qua đấu giá để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sở hữu.

c) Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về tổ chức bảo hiểm tương hỗ, tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trong việc thành lập các tổ chức bảo hiểm tương hỗ để chia sẻ rủi ro và tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh.

d) Tiến hành tổng kết một năm thực hiện Luật Hải quan; sửa đổi hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, chính thức hoá các quy định về nghiệp vụ hải quan thay cho quy định tạm thời; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục hải quan, tăng thêm mặt hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra để đến cuối năm 2003, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan xuống ngang bằng với các nước trong khu vực.

đ) Nghiên cứu trình Chính phủ quy định mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực độc quyền nhà nước theo hướng: độc quyền kinh doanh là nguồn lợi quốc gia, khi cho phép sử dụng thì Nhà nước thu một phần thoả đáng từ nguồn lợi, trừ trường hợp phục vụ an ninh, quốc phòng.

e) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp và các địa phương chỉ đạo việc rà soát lại các loại phí; trong năm 2003 điều chỉnh giảm phí cảng biển, sân bay,... để cuối năm 2004 xuống bằng mức của các nước trong khu vực.

f) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ hỗ trợ phát triển và các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ thu hẹp đối tượng được hưởng ưu đãi từ tín dụng phát triển của Nhà nước; đơn giản hoá các quy trình, thủ tục cho vay. Tăng cường hình thức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận tín dụng nhà nước trong các lĩnh vực Nhà nước khuyến khích đầu tư .

g) Nghiên cứu đề xuất việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu; bỏ chế độ thu chênh lệch giá đối với nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng được các yêu cầu về số lượng và chất lượng; điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; cải tiến, đơn giản hoá thủ tục thu thuế, hoàn thuế và kiểm tra hải quan; tăng cường và chấn chỉnh công tác kiểm tra sau khi thực hiện các nghiệp vụ thuế và hải quan (hậu kiểm); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện lộ trình giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

h) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan khác, nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ việc đào tạo cán bộ quản lý và nâng cao tay nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp.

i) Nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế hình thành nguồn vốn phát triển công nghệ, phát triển và cải tiến sản phẩm ứng dụng trực tiếp vào sản xuất công, nông nghiệp.

3. Bộ Thương mại có nhiệm vụ:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ