Loading


Chỉ thị 1722/CT-TTg năm 2010 tổ chức triển khai Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1722/CT-TTg
Ngày ban hành 17/09/2010
Ngày có hiệu lực 17/09/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 1722/CT-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 63/2010/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 6 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 20/2008/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2008 VỀ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁC QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày 08 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2010/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 10 năm 2010. Nghị định quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính từ khâu dự thảo đến khâu tổ chức thực hiện; đặc biệt, Nghị định tạo sự kết nối giữa quy định về kiểm soát thủ tục hành chính với quy định về tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng, toàn diện cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước.

Để bảo đảm tốt các điều kiện cho việc triển khai thi hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 20/2008/NĐ-CP), Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các công việc sau đây:

I. VỀ TỔ CHỨC TẬP HUẤN VÀ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN NGHỊ ĐỊNH SỐ 63/2010/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 6 NĂM 2010 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 20/2010/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2010

1. Giao Văn phòng Chính phủ:

a) Biên soạn tài liệu hướng dẫn về nội dung của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP đối với các ngành, các cấp trong phạm vi cả nước; bảo đảm huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.

Trên cơ sở kết quả triển khai rà soát thủ tục hành chính trong khuôn khổ của Đề án 30, hoàn thiện tài liệu hướng dẫn cách thức đánh giá tác động của các quy định về thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành hoặc duy trì các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất.

b) Trong tháng 11 năm 2010, tổ chức tập huấn về cách thức đánh giá tác động của các quy định về thủ tục hành chính và tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức thuộc đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP cho cán bộ, công chức thuộc quyền và nhân dân địa phương; tổ chức tập huấn về cách thức đánh giá tác động của các quy định về thủ tục hành chính và tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho cán bộ công chức trong cơ quan theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

3. Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ dành thời lượng phù hợp để thông tin, tuyên truyền tới người dân và cộng đồng doanh nghiệp về nội dung và tình hình, kết quả thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP tại các bộ, ngành và địa phương; nêu gương những cán bộ, công chức có sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, tận tâm, tận tụy trong phục vụ nhân dân.

4. Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch truyền thông và tổ chức thực hiện kế hoạch này nhằm thu hút có hiệu quả sự tham gia chủ động, tích cực của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kiểm soát thủ tục hành chính.

II. VỀ TỔ CHỨC, NHÂN SỰ CHO CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ VIỆC DUY TRÌ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

1. Giao Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 14 tháng 10 năm 2010 kiện toàn xong tổ chức và nhân sự của Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1064/TTg-TCCV ngày 23 tháng 6 năm 2010.

Nhân sự tuyển dụng cho Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tối thiểu phải đáp ứng trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, hành chính công và luật học; có kỹ năng nghiên cứu, tổng hợp và khả năng đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính; tâm huyết với sự nghiệp cải cách hành chính, sử dụng thành thạo máy vi tính và có trình độ ngoại ngữ đáp ứng công việc được giao.

2. Giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

a) Thường xuyên thực hiện thống kê và công bố bổ sung các thủ tục hành chính còn thiếu hoặc mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung theo phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính để cập nhật và đăng tải vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, bảo đảm thủ tục hành chính được công khai đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, đúng địa chỉ, dễ tiếp cận, dễ khai thác, sử dụng;

b) Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật được đưa lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện nghiêm các thủ tục hành chính đã được công bố công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính;

c) Tạo sự liên kết, kết nối về các dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho cá nhân, tổ chức từ các cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

III. VỀ VIỆC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TỪ NGÀY NGHỊ ĐỊNH SỐ 63/2010/NĐ-CP CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH – NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 2010

1. Giao Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc việc cho ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; đồng thời tổ chức thực hiện có kết quả việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.

2. Giao Bộ Tư pháp và các đơn vị pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính khi chưa có ý kiến của Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính phải bảo đảm một thủ tục hành chính cụ thể có đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; tổ chức thực hiện việc công khai thủ tục hành chính quy định tại các điều 16, 17 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; xử lý nghiêm minh và công khai biện pháp, hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức có vi phạm trong thực hiện và kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại các điều 6, 20 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP.

4. Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, hàng năm có trách nhiệm bố trí đủ, kịp thời kinh phí cho hoạt động này của Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính trong việc huy động các chuyên gia, các nhà khoa học, luật sư, đối tượng tuân thủ thủ tục hành chính tham gia vào quá trình cho ý kiến về dự án, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính bảo đảm nguyên tắc cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi nhất cho nhân dân nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu quản lý của Nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

2. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị này./.

[...]
6