Loading


Chỉ thị 24-CT/TW năm 2008 về phát triển nền đông y và Hội Đông y Việt Nam do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 24-CT/TW
Ngày ban hành 04/07/2008
Ngày có hiệu lực 04/07/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trương Tấn Sang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 24-CT/TW

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ PHÁT TRIỂN NỀN ĐÔNG Y VIỆT NAM VÀ HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị 118-CT/TW, ngày 30-9-1981 của Ban Bí thư khóa IV, Hội Đông y Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng. Hệ thống tổ chức Hội Đông y Việt Nam được hình thành ở 4 cấp và đã thành lập ở 61 tỉnh, thành phố, 90% huyện, thị và 80% xã, phường. Số lượng hội viên ngày càng tăng. Hoạt động của Hội Đông y Việt Nam ở các cấp đã góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phát triển nền đông y nước nhà : việc khám, chữa bệnh bằng đông y được mở rộng, số lượng cán bộ ngành đông y tăng, trình độ chuyên môn được nâng cao; thuốc đông y Việt Nam đa dạng về chủng loại; hoạt động xã hội hoá và công tác quản lý hành nghề đông y có những tiến bộ đáng kể.

Tuy nhiên, sự phát triển của nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chưa ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Những hạn chế này song hành với những yếu kém và hạn chế trong sự phát triển của nền đông y Việt Nam và trong triển khai chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền. Hiện nay, nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của đông y; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong chính sách y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Trước tình hình đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quán triệt và thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1- Quan điểm chỉ đạo

1.1- Phát triển nền đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn xã hội.

1.2- Phát triển nền đông y Việt Nam là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam.

1.3- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giữ gìn tính đặc thù của nền đông y Việt Nam, đưa nền đông y Việt Nam thành một ngành khoa học mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ đông y.

1.4- Phát triển nền đông y Việt Nam theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa đông y và tây y trên tất cả các khâu : tổ chức, đào tạo, kế thừa, nghiên cứu, áp dụng vào phòng bệnh và khám, chữa bệnh, nuôi trồng dược liệu, bảo tồn các cây, con quý hiếm làm thuốc, sản xuất thuốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đông y.

1.5- Củng cố, phát triển Hội Đông y Việt Nam là thực hiện công tác dân vận của Đảng và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hội Đông y Việt Nam và các tổ chức thành viên là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự chủ, năng động và sáng tạo, đại diện hợp pháp về quyền lợi và trách nhiệm của những người hành nghề đông y. Hội Đông y có vai trò nòng cốt trong phát triển nền đông y Việt Nam.

2- Mục tiêu phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam

2.1- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển đông y; kết hợp đông y với tây y trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; xây dựng nền y dược học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng, ngang tầm khu vực và thế giới; từng bước quảng bá nền đông y Việt Nam ra nước ngoài.

2.2- Hoàn thiện hệ thống tổ chức chuyên ngành đông y từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục triển khai thực hiện “chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền đến năm 2010” và những năm tiếp theo. Xây dựng đội ngũ thầy thuốc đông y đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

2.3- Củng cố tổ chức, phát triển hội viên, đẩy mạnh hoạt động của Hội Đông y Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các cấp để Hội thực sự đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển nền đông y Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

3- Nhiệm vụ và giải pháp

3.1- Nâng cao nhận thức về vai trò của đông y, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc phát triển nền đông y Việt Nam.

3.2- Tiếp tục kiện toàn hệ thống khám, chữa bệnh bằng đông y và quản lý nhà nước về đông y, đông dược từ Trung ương đến cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý giữa các ngành và các cấp trong nhiệm vụ phát triển nền đông y và Hội Đông y Việt Nam.

3.3- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách và những quy định cụ thể để thực hiện việc kết hợp giữa đông y và tây y một cách hài hoà và hiệu quả. Cần có chính sách đặc thù trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để các lương y chuyển giao những bài thuốc hay, cây thuốc quý và những kinh nghiệm phòng, chữa bệnh bằng đông y, khuyến khích truyền nghề cho thế hệ sau. Xây dựng các chế tài để xử lý nghiêm đối với những trường hợp hành nghề đông y, đông dược trái pháp luật.

3.4- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống mã ngành đào tạo thầy thuốc đông y, kể cả lương y, lương dược ở các bậc học khác nhau; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo, bao gồm trường đại học, trung học và dạy nghề đông y theo quy định của pháp luật, chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành.

3.5- Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng chuyên nuôi trồng dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra, bảo tồn nguồn quỹ gen về dược liệu Việt Nam, xác định nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh và xuất khẩu. Kết hợp chặt chẽ giữa việc khuyến khích “trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” với việc hình thành các vùng chuyên nuôi trồng, chế biến cây, con làm thuốc theo hướng công nghiệp.

3.6- Ưu tiên đầu tư và có chính sách đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Chú trọng việc giữ gìn bản sắc truyền thống và tính đặc thù của nền đông y Việt Nam từ kế thừa, bảo tồn, nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu đến các phương pháp khám, chữa bệnh.

3.7- Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập các cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực, sản xuất kinh doanh thuốc đông y, phát triển các vùng dược liệu; sớm xây dựng các tập đoàn đông dược đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.

3.8- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu và trao đổi chuyên gia về đông y.

3.9- Để tăng cường vai trò nòng cốt của Hội Đông y trong phát triển nền đông y Việt Nam, cần thực hiện những nhiệm vụ sau :

- Các cấp uỷ đảng và chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Hội Đông y, trực tiếp chỉ đạo các cấp hội kiện toàn tổ chức ở 4 cấp; chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động hội, phát triển hội viên, nhất là ở cấp cơ sở. Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội Đông y hoạt động và phát triển. Hội Đông y Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, bao gồm việc củng cố tổ chức, phát triển hội viên, kết hợp chặt chẽ với ngành y tế trong các hoạt động chuyên môn, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, tham gia xây dựng và phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam.

- Ban cán sự đảng Bộ Y tế chủ động phối hợp với Hội Đông y Việt Nam, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức, chương trình đào tạo các loại hình cán bộ chuyên ngành đông y, trong đó có lương y, lương dược theo các quy định của Chính phủ.

[...]
3