Loading


Chỉ thị 33/2003/CT-BGDĐT về tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 33/2003/CT-BGDĐT
Ngày ban hành 23/07/2003
Ngày có hiệu lực 21/08/2003
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Minh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/2003/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2003 

 

 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG

Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của nội dung giáo dục phổ thông toàn diện đã được xác định trong Luật Giáo dục. Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 và chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường giáo dục hướng nghiệp nhằm góp phần tích cực và có hiệu quả vào việc phân luồng học sinh, chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống lao động hoặc được tiếp tục đào tạo phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội.

Tuy vậy, giáo dục hướng nghiệp hiện nay chưa được các cấp quản lý giáo dục và các trường học quan tâm đúng mức, còn có địa phương và trường học chưa thực hiện đầy đủ các nội dung giáo dục hướng nghiệp; chất lượng hoạt động hướng nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của học sinh và xã hội, học sinh phổ thông cuối các cấp học và bậc học chưa được chuẩn bị chu đáo để lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân và yêu cầu của xã hội.

Để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp và các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt những yêu cầu sau:

1. Trên cơ sở quán triệt các quan điểm cơ bản về giáo dục của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9, Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội và Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cần nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, mục đích, nội dung và những biện pháp thực hiện giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh, ngay từ trong nhà trường, chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đồng thời phù hợp với năng lực cá nhân.

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông có nghiệm vụ: giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn với nghề nghiệp; cho học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và các nghề truyền thống của địa phương; tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất; động viên học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần.

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông bằng các hình thức: tích hợp nội dung hướng nghiệp vào các môn học, lao động sản xuất và học nghề phổ thông, hoạt động sinh hoạt hướng nghiệp và các hoạt động ngoại khóa khác.

2. Quán triệt yêu cầu giáo dục hướng nghiệp trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện chương trình, biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên và trong giảng dạy các môn học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh ở tất cả các cấp học, bậc học, từ tiểu học đến trung học phổ thông.

3. Nghiêm túc triển khai thực hiện sinh hoạt hướng nghiệp ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp, tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động và đánh giá năng lực bản thân, hướng dẫn học sinh lựa chọn nghề nghiệp hoặc lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với năng lực cá nhân và yêu cầu của xã hội. Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên được phân công hướng dẫn hoạt động giáo dục hướng nghiệp (sinh hoạt hướng nghiệp). Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp cần phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp và cử giáo viên có năng lực tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh. Nhà Xuất bản Giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn, phát hành đủ tài liệu hướng nghiệp để dùng trong nhà trường.

4. Nâng cao chất lượng và mở rộng việc dạy nghề phổ thông để giúp học sinh tìm hiểu nghề, làm quen với một số kỹ năng lao động nghề nghiệp. Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu kế hoạch học nghề phổ thông cho các trường, đồng thời căn cứ vào điều kiện giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất mà giao chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề phổ thông cho các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp và cơ sở khác được giao dạy nghề phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép các trường phổ thông có đủ điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất mới được tổ chức dạy nghề phổ thông. Những trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tổ chức học 2 buổi/ngày phải dành thời gian theo quy định cho học sinh để học nghề phổ thông tại trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp hoặc tại trường. Sở Giáo dục và Đào tạo chú ý chỉ đạo các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp mở thêm nghề phổ thông mới cho học sinh lựa chọn, tránh tập trung vào một số ít nghề, đồng thời có kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc dạy nghề phổ thông và tổ chức thi nghề nghiêm túc. Những tỉnh có tỷ lệ học sinh được học nghề phổ thông còn thấp cần quan tâm tạo điều kiện để nhiều học sinh được học.

5. Các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế về tổ chức và hoạt động của trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, có kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cho các Trung tâm hiện có để các trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông và có đủ điều kiện thực hiện nội dung giáo dục nghề phổ thông trong chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo cần dành kinh phí của địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia để củng cố và phát triển trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp ở những quận, huyện chưa có, nhất là ở vùng đông học sinh, vùng nông thôn. Những huyện miền núi có thể thành lập thành trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp gắn với trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện. Đối với những tỉnh chưa có trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập trung tâm để góp phần tích cực thực hiện giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông có chất lượng.

Các trung tâm kỹ thuật tổng hợp -  hướng nghiệp cần có những biện pháp đổi mới hình thức và nội dung hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông: kết hợp nội dung hướng nghiệp vào các buổi dạy nghề phổ thông, mở thêm nhiều nghề phổ thông, tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp hoặc tại trường phổ thông.

6. Các cấp quản lý giáo dục cần quán triệt chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo thực hiện giáo dục hướng nghiệp. Các trường học và trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp báo cáo và đề xuất với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương kế hoạch khuyến khích các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân có điều kiện hỗ trợ hoặc tham gia trực tiếp vào giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.

Để đôn đốc, theo dõi và chỉ đạo kịp thời các công việc trên đây, các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo có các hướng dẫn cụ thể, các Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm điểm, đánh giá tình hình giáo dục hướng nghiệp của địa phương trong các dịp sơ kết học kỳ và tổng kết năm học, tổng hợp báo cáo về Bộ. Trong khi triển khai có gì vướng mắc, đề nghị các cơ sở báo cáo để Bộ có hướng dẫn kịp thời./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO




Nguyễn Minh Hiển

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ