Loading


Chỉ thị 38/CT-TTg năm 2020 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 38/CT-TTg
Ngày ban hành 29/09/2020
Ngày có hiệu lực 29/09/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/CT-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG VÀ XUẤT KHẨU KHOÁNG SẢN

Ngày 30 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đã góp phần hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật về khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản đã được tăng cường, đạt nhiều kết quả, nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã giảm; nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản sau khai thác và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) triển khai Nghị quyết số 101/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đối với việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2020.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan, hoàn thành Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Luật Khoáng sản trong năm 2020, trong đó đánh giá những tác động tích cực, các vấn đề còn tồn tại, bất cập và đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội khóa XV xây dựng Luật Khoáng sản để thay thế Luật Khoáng sản năm 2010; tập trung xây dựng, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt; Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (Nghị định số 23/2020/NĐ-CP); chủ động đề xuất, triển khai công tác điều tra, đánh giá các loại khoáng sản để sản xuất cát nhân tạo nhằm bổ sung lượng cát, sỏi lòng sông ngày càng cạn kiệt.

d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tổng kết thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02/NQ-TW và xây dựng Chiến lược khoáng sản trong giai đoạn mới.

đ) Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường khu vực khai thác; kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát hoạt động khoáng sản bằng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

e) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực liên quan đến quy hoạch rừng tự nhiên để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

2. Bộ Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch công suất khai thác đối với từng mỏ, từng khu vực khoáng sản phải có tính dự báo cáo về thị trường, có công suất tối đa, tối thiểu gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

b) Chỉ bổ sung vào Quy hoạch đối với những dự án chế biến khoáng sản được gắn với nguồn nguyên liệu khoáng sản, có công nghệ chế biến tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

c) Rà soát, ban hành quy định về chỉ tiêu chất lượng xuất khẩu gắn với quy trình tuyển, chế biến phù hợp theo từng giai đoạn đối với một số loại khoáng sản có quy mô lớn, nhu cầu trong nước không cao; năng lực, công nghệ chế biến trong nước còn hạn chế, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và dự trữ như: titan sa khoáng, đất hiếm; xuất khẩu quặng tinh đối với các mỏ khoáng sản quy mô nhỏ, chất lượng thấp, phân bố ở vùng sâu, khu vực biên giới, vận chuyển về các trung tâm chế biến tập trung khó khăn, giá thành cao, gây hư hại đường giao thông. Đề xuất chính sách cho phép xuất - nhập khẩu một số loại khoáng sản, đáp ứng nhu cầu trong nước; không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách xuất, nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới.

3. Bộ Xây dựng:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch công suất khai thác đối với từng mỏ, từng khu vực khoáng sản phải có tính dự báo cáo về thị trường, có công suất tối đa, tối thiểu gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

b) Xem xét, bổ sung đưa vào danh mục không xuất khẩu một số loại khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng để phục vụ nhu cầu trong nước; hạn chế đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại các thành phố lớn, khu vực tập trung dân cư, các khu vực cảnh quan, môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ.

c) Rà soát, ban hành quy định về chỉ tiêu kỹ thuật để xuất khẩu đá khối, đá ốp lát; cát trắng silic và cát vàng khuôn đúc sau tuyển, chế biến trên cơ sở cân đối nhu cầu trong nước và đảm bảo dự trữ khoáng sản.

d) Rà soát, ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại vật liệu thay thế cát xây dựng; đảm bảo cân đối cung - cầu vật liệu xây dựng trong nước.

4. Bộ Giao thông vận tải: Xác định phạm vi, quy mô, ranh giới các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ an toàn tuyến luồng, các công trình trên sông thuộc thẩm quyền quản lý; phê duyệt, thông báo kế hoạch, thời gian thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa hàng năm thuộc thẩm quyền đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để phối hợp quản lý theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông luồng; xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không đúng chuẩn tắc thiết kế, lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép.

5. Bộ Tài chính: Rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí và lệ phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với việc kinh doanh cát, sỏi lòng sông; xử lý tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng cát, sỏi lòng sông tại các công trình, dự án; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ khoáng sản thông qua sản lượng khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường công tác phân luồng, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu các loại khoáng sản theo quy định.

6. Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, xuất khẩu lậu khoáng sản qua biên giới, đặc biệt là thông qua đường biển. Phối hợp với các bộ, ngành trong việc lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

7. Bộ Công an: Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển, tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông, than, titan...; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập khẩu khoáng sản trái phép.

8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn lao động trong khai thác khoáng sản, nhất là đối với mỏ đá làm vật liệu xây dựng.

9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để khai thác khoáng sản; chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về trồng rừng thay thế.

[...]
5